Khán giả tại Việt Nam gần như sẽ không thể được theo dõi trực tiếp U23 Việt Nam thi đấu tại ASIAD 19 ở Hàng Châu, Trung Quốc.
U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn vừa bảo vệ thành công chức vô địch U23 Đông Nam Á 2023 trên đất Thái Lan. Tháng 9 này, toàn đội sẽ hướng đến một thử thách lớn hơn - Đại hội thể thao châu Á 2023 (ASIAD 19) tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Không chỉ U23 Việt Nam, ĐT nữ Việt Nam cũng sẽ tham dự môn bóng đá nữ sau hành trình tại World Cup nữ 2023. ASIAD 19 hứa hẹn là tâm điểm chú ý của thể thao Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tin buồn lại đến với người hâm mộ Việt Nam khi khả năng cao không được theo dõi U23 Việt Nam và ĐT nữ Việt Nam thi đấu tại ASIAD 19. Lý do đến từ giá bản quyền truyền hình quá cao khiến các nhà đài trong nước "bó tay".
Như đã đưa tin, đối tác Hàn Quốc nắm bản quyền ASIAD 19 khu vực Đông Nam Á trước đó đã "hét giá"... tới 15 triệu USD (hơn 356 tỉ đồng) cho các nhà đài tại Việt Nam.
Mới đây, lãnh đạo một đơn vị truyền thông cho biết giá bản quyền đã được phía đối tác trên hạ xuống một nửa, nhưng chi phí vẫn là quá lớn với khả năng đáp ứng.
"Giá bản quyền ASIAD 19 không còn ở mức rất đắt, lên đến 15 triệu USD mà giảm còn 7 triệu USD (khoảng 178 tỉ đồng, chưa kèm phụ phí truyền dẫn, thuế…).
Gọi là giảm nhưng con số 7 triệu USD cũng là cực cao nếu so với số tiền 200.000 USD mà một đài truyền hình tại Việt Nam đã bỏ ra để mua bản quyền ASIAD 14 năm 2014.
Đôi khi tiền bạc lại không phải vấn đề quá lớn với chúng tôi. Tuy nhiên quá trình đàm phán thành công được hay không, còn phụ thuộc vào thái độ của đối tác. Họ có vẻ lạnh nhạt, không nhiệt tình. Hoặc có thể đó là một chiêu của đối tác", vị lãnh đạo này cho biết.
Chia sẻ với Thanh Niên, đại diện đơn vị truyền thông thừa nhận: "Nhiều khả năng năm nay khán giả Việt Nam sẽ không được xem tường thuật trực tiếp các môn tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục.
5 năm trước, bản quyền ASIAD 18 cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Chỉ khi đội Olympic đi sâu vào vòng 18 đội, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực về tài chính của hai doanh nghiệp lớn mà Đài tiếng nói Việt Nam đã mua được bản quyền.
Nhưng ASIAD 19 câu chuyện rất khác khi chưa doanh nghiệp nào của Việt Nam lên tiếng về vấn đề này. Các bộ ngành có liên quan cũng không thể bắt ép các đài mua và càng không thể can thiệp vào các cuộc đàm phán".