Ghế da ô tô dễ bị nứt sau thời gian sử dụng hoặc những thói quen xấu từ người dùng, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phục hồi tại nhà bằng mẹo đơn giản sau.
Nội dung chính
Tại sao ghế da ô tô bị nứt?
Nguyên nhân đầu tiên khiến ghế da ô tô bị nứt là do tần suất sử dụng cao. Khi mức độ ma sát trên bề mặt ghế càng nhiều, độ đàn hồi càng giảm, lâu dần sẽ dẫn tới hiện tượng sờn, nứt.
Ngoài ra, những hành động như tỳ mạnh tay, thường xuyên đặt đồ vật nặng lên bề mặt cũng khiến ghế bị nhăn.
Ghế da ô tô còn dễ bị tác động bởi khí hậu nóng ẩm đặc trưng của Việt Nam. Những đợt nắng nóng cao điểm trong mùa hè có thể khiến ghế da bị xuống cấp nhanh chóng nếu xe bị phơi ngoài trời quá lâu, trong thời gian dài.
Ban đầu, khi ghế xuất hiện những vết nứt nhỏ, nhiều chủ xe thường xem nhẹ và bỏ qua. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới bong tróc từng mảng hoặc rách ghế, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nội thất xe.
Kinh nghiệm xử lý ghế da ô tô bị nứt
Nhiều chủ xe e ngại rằng khi ghế bị nứt sẽ phải thay ghế mới, chi phí cao. Tuy nhiên, có nhiều bí quyết phục hồi ghế da ô tô bị nứt đơn giản với chi phí thấp có thể áp dụng ngay tại nhà.
Để xử lý ghế da ô tô bị nứt cần chuẩn bị:
- Các loại kem, gel hoặc sáp chuyên dụng để trám vết nứt trên ghế da.
- Giấy nhám đánh bóng ghế da chuyên dụng.
- Một chiếc kéo nhỏ.
- Hai chiếc khăn mịn.
Các dụng cụ để xử lý ghế da bị nứt nên là sản phẩm được cung cấp bởi các thương hiệu uy tín. Đặc biệt với dòng xe cao cấp, sử dụng kem, sáp không rõ nguồn gốc có thể làm giảm tuổi thọ của ghế. Quy trình xử lý ghế da ô tô bị nứt thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Làm sạch bề mặt ghế
Bề mặt ghế da bám nhiều bụi bẩn, mồ hôi, khâu làm sạch giúp kem trám dễ bám vào bề mặt ghế hơn. Chủ xe sử dụng khăn mềm ẩm lau sạch toàn bộ mặt ghế da, sau đó chờ đến khi khô hoàn toàn. Nếu các vết nứt có nhiều chỉ thưa có thể dùng kéo cắt bỏ và chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 2: Sử dụng giấy nhám tạo độ phẳng
Các loại giấy nhám chuyên dụng giúp bề mặt ghế đạt độ phẳng nhất định, thuận tiện hơn cho việc thoa kem xúc tác. Tùy thuộc vào chất liệu ghế da, chủ xe lựa chọn loại giấy nhám phù hợp để hiệu quả xử lý được tốt nhất. Tuy nhiên khi dùng giấy nhám tránh chà xát mạnh làm vết nứt càng nghiêm trọng hơn.
Bước 3: Bôi kem, gel lên bề mặt bị nứt
Các chất xúc tác có công dụng lấp đầy những vết nứt trên ghế da và “hàn” chúng lại tạo thành bề mặt phẳng như bạn đầu. Tùy vào mức độ tổn thương nặng hay nhẹ, chủ xe sẽ bôi từ 3 - 4 lớp keo để đảm bảo độ kết dính.
Muốn bôi keo đều, ghế không bị sùi keo, chủ xe sử dụng khăn mịn phủ lên mặt ghế. Để keo khô tự nhiên trong khoảng 30 phút không sử dụng các tác động nhiệt khác.
Cách bảo vệ ghế da ô tô không bị nứt
Các bước xử lý ghế da ô tô bị nứt ngay tại nhà đơn giản, dễ thực hiện giúp ghế phục hồi tình trạng nứt nhanh chóng. Tuy nhiên, để ghế bền và đẹp theo thời gian, chủ xe nên:
- Hạn chế để ghế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mắt trời bằng cách sử dụng các tấm chắn gió hoặc rèm cửa ô tô.
- Không để các đồ vật nặng hoặc sắc nhọn lên ghế.
- Làm sạch và dưỡng ẩm thường xuyên cho ghế bằng các nguyên liệu chuyên dụng dành cho ghế da ô tô.
Lưu ý cách xử lý ghế da ô tô bị nứt tại nhà chỉ áp dụng với trường hợp nhẹ. Với vết nứt, bong tróc nặng hơn chủ xe nên đến các cơ sở bảo dưỡng uy tín để đảm bảo khắc phục hiệu quả, đáp ứng tính thẩm mỹ cho ghế.
Ghế da ô tô bị nứt là hiện tượng thường thấy khi sử dụng xe ô tô. Nhằm hạn chế tình trạng này, các hãng sản xuất ô tô không ngừng tìm kiếm các giải pháp cải tiến chất liệu, công nghệ sản xuất, cho ra đời những sản phẩm ghế da bền bỉ, đáp ứng công năng và nâng tầm đẳng cấp cho xe.
tổng hợp
5 mẫu ô tô giá rẻ nhất Việt Nam: chỉ từ 304 triệu đồng, có cả xe hạng B
Mua xe chạy dịch vụ: Nên chọn Toyota Vios hay Kia Soluto?