Man United thất bại toàn diện cả thập kỷ qua: Vì đâu nên nỗi?
Nếu có "thuyết âm mưu" về việc Liverpool hoặc Man City muốn “hạ bệ” MU, họ sẽ không thể làm tốt hơn những gì Gia đình Glazer đang thể hiện cả thập kỷ qua
Nội dung chính
Với kế hoạch thâu tóm Manchester United của mình, Nhà Glazer đã chính thức nắm quyền lãnh đạo CLB từ năm 2005, sau khi sử dụng các khoản vay nợ từ những định chế tài chính lớn để sở hữu đội bóng giàu truyền thống bậc nhất nước Anh.
Khi đó, Man United vẫn còn HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson và Giám đốc Điều hành David Gill, khiến những bất cập tại CLB không bị phanh phui.
Bên cạnh hai cái tên chủ chốt nói trên, đội chủ sân Old Trafford vẫn còn những cái tên đẳng cấp trong đội hình. Cristiano Ronaldo là ngôi sao sáng nhất, nhưng MU vẫn còn đó Wayne Rooney, Rio Ferdinand, Nemanja Vidic, Paul Scholes hay Carlos Tevez.
Đó chính là những mảnh ghép hoàn hảo nhất để Sir Alex Ferguson chinh phục các danh hiệu cao quý, với đỉnh cao chính là Champions League 2007/08.
Tuy nhiên, việc nhà Glazer liên tục “hút máu CLB” thông qua hoạt động chi trả cổ tức đã khiến CLB “bất khả chiến bại” ngày nào dần mất đi vị thế của mình.
Bằng tài cầm quân của Sir Alex, cũng như sự xuất sắc đằng sau hậu trường của David Gill, Man United vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng những chức vô địch với Premier League và đại gia “mới nổi” khi ấy là Manchester City.
Mặc dù vậy, những vấn đề đã xuất hiện sau chức vô địch Ngoại hạng anh thứ 20 của CLB, khi bộ đôi trên ra đi vào mùa hè 2013.
Nửa đỏ thành Manchester lao dốc “không phanh từ thời điểm ấy”. Vậy đâu là những nguyên nhân cho sự sụp đổ này ?
Khoảng trống quá lớn của Sir Alex Ferguson và David Gill
Với việc nghỉ hưu của HLV người Scotland và vị trí Giám đốc điều hành lâu năm, Nhà Glazer quyết định thay thế họ bởi David Moyes và Ed Woodward.
Về cơ bản, sự thay thế David Moyes là chủ ý của Sir Alex cùng Woodward, khi cựu HLV Everton được đánh giá “khá thân cận” với những nhân vật quan trọng với sân Old Trafford khi ấy.
Quỷ đỏ đã không thành công sau đó, và Moyes chỉ sa thải chỉ sau 11 tháng “bi kịch” ở Nhà hát của những giấc mơ. Mặc dù vậy, vị trí trên băng ghế chỉ đạo chưa bao giờ là ổn định với Man United.
Suốt gần một thập kỷ qua, từ những cái đã thành danh như Louis van Gaal hay Jose Mourinho, rồi đến “người cũ Ole Gunnar Solskjaer, và bây giờ là Ralf Rangnick, tất cả đều ra đi “không kèn không trống”.
Những chiến thuật và lối chơi khác nhau, những cầu thủ, đội hình khác nhau. Tất cả như chỉ sắp xếp một cách “tạm bợ” dù ở bất kỳ thời điểm nào. Các tân binh được mua bán theo những giá “trên trời” mà không có những đánh giá chính xác về khả năng thích nghi của cầu thủ đó tại Man United.
Và bây giờ, khi Erik ten Hag tiếp quản đội bóng, những câu hỏi liệu “bình mới rượu cũ” có tiếp tục xuất hiện ở kỷ nguyên HLV người Hà Lan. MU sẽ chơi với triết lý nào, hay những con người ra sao. Tất cả vẫn là những dấu hỏi rất lớn tại Quỷ đỏ vào lúc này.
Sân Old Trafford - đại diện cho sự suy tàn của Man United
Những gì xung quanh SVĐ của bất kỳ CLB nào là một phần để thể hiện tầm vóc của một đội bóng. Old Trafford từng là “sân khấu” hàng đầu trên khắp bình diện châu Âu, đặc biệt là tại Anh, đây là SVĐ lớn bậc nhất xứ sở sương mù.
Tuy nhiên, khi bóng đá hiện đại dần thay đổi, các CLB cũng đã có những sự cải thiện, dẫn đến Nhà hát của những giấc mơ không còn đứng hàng đầu trong danh sách các SVĐ lớn ở Premier League. Thậm chí, nó còn bị tới sáu đối thủ khác bỏ lại, và tại châu Âu, cũng đã có những khoảng cách xa.
Rõ ràng, việc “tượng đài huy hoàng” này đang dần xuống cấp mà không có sự trùng tu xứng đáng, dẫn đến vị thế của MU không còn được duy trình trong một thập kỷ qua
Man United hiện tại là “Brand United”
Những danh tiếng trong quá khứ cùng một lượng CĐV đông đảo, việc Man United đang được gọi với cái tên “Brand United” cũng không có gì khó hiểu.
Tầm vóc của CLB đã không còn được duy trì, và MU hiện tại chỉ như đang “dựa vào” ánh hào quang thuở xưa của đội bóng. Tuy nhiên, bất kỳ điều gì cũng sẽ không tồn tại được mãi.
Có những CLB ở châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng, mặc dù từng đăng quang C1/Champions League, tuy nhiên, họ đã “biến mất” từ lâu trên bản đồ bóng đá Lục địa già.
Man United đang đi trên con đường gần giống tương tự. Tuy sự việc chưa xảy ra quá nghiêm trọng, khi Quỷ đỏ vẫn góp mặt tại đấu trường Châu Âu, nhưng nếu tiếp tục xảy ra,
Quỷ đỏ hoàn toàn chỉ còn là một đội bóng tầm trung.
Cái cách họ thông báo một cách đơn giản về việc Ralf Rangnick rời khỏi vị trí cố vấn CLB chính xác là những điều không thường xảy ra tại các đội bóng lớn. Không có một sự chuẩn bị, hay ý chí nào sắp đặt, cho sự định hướng và phát triển CLB.
Nhà Glazer với tài năng của mình, họ vẫn sẽ tiếp tục thành công và trở nên giàu có. Chỉ tiếc rằng, Man United - một CLB hàng đầu tại nước Anh, đã đánh mất vị thế cùng bản sắc hào hùng, mà đã rất nhiều năm gây dựng bởi nhiều thế hệ cầu thủ và BLĐ.