Theo góc nhìn đến từ BLV Hoàng Luân, ồ ạt tuyển ngoại binh không phải là phương pháp hợp lý để các đội tuyển tại VCS sớm có được thành tích.
Sau sự kiện tuyển thủ đường trên Profit gia nhập Team Flash, một đề tài được đưa ra bàn luận trong sôi nổi trong cộng đồng Esport Việt Nam là liệu các đội tuyển có nên tuyển thêm nhiều ngoại binh và đây có nên được xem là biện pháp được cho là phương pháp hiệu quả giúp các đội tuyển tại VCS sớm đạt được thành tích.
Điều này đã nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia, bình luận viên trong lĩnh vực Esport tại Việt Nam và trong buổi live stream hôm 7/6 vừa qua, bình luận viên Hoàng Luân cũng đã đóng góp ý kiến của anh về vấn đề này.
Cụ thể, khi được hỏi về chủ đề trên, anh đã lập tức phủ nhận hiệu quả việc tuyển ngoại binh, một trong những biện pháp được cho là hiệu quả giúp các đội sớm đạt được thành tích.
“Chúng ta vốn chạy sau, chạy sau mà muốn đuổi kịp người chạy trước một khoảng rất xa thì chỉ có nước… mua xe mà đuổi” – Chiếc xe mà Hoàng Luân nói đến ám chỉ những cú huých cực lớn về thành tích hoặc tài chính, tương tự điều GAM từng làm năm 2017.
Khu vực LPL đã và đang đầu tư rất mạnh đem về dàn huấn luyện viên, tuyển thủ ngoại chất lượng nhưng cũng phải mất rất nhiều năm để chọn lọc được những ngoại binh tốt. Còn đối với VCS, khu vực chúng ta không đủ quỹ tài chính để làm điều tương tự.
Ở châu Âu, đội tuyển đạt được nhiều thành tựu nhất là G2 Esports chỉ sử dụng nội binh, trong khi các ngoại binh không còn đất diễn. Với các đội Bắc Mỹ, những tuyển thủ Hàn Quốc hay châu Âu họ mang về chỉ đủ để duy trì thành tích trong khu vực, còn kết quả quốc tế bao năm vẫn giậm chân tại chỗ.
Đó là chưa kể đến các khu vực như Brazil, Thổ Nhỹ Kỳ,… chiêu mộ rất nhiều tuyển thủ ngoại nhưng vẫn không qua nổi vòng play-in CKTG và bị chính các đại diện Việt Nam đánh bại.
Nói một cách khách quan, rõ ràng VCS chưa đủ khả năng nhập ngoại binh ồ ạt nhưng điều đó cũng không cần thiết. Chúng ta cần phát triển từ gốc, như việc lập ra nhiều giải đấu cho các đội trẻ học viện được thi đấu cọ xát, duy trì môi trường chuyên nghiệp, ổn định để thu hút các tài năng trẻ và cố gắng trau dồi bắt nhịp thật nhanh với meta của các khu vực lớn.
Có thể thấy, trong thể thao nói chung và Esports nói riêng, bắt kịp các quốc gia, khu vực có nền tảng phát triển lâu đời chỉ bằng phương pháp an toàn thì gần như là điều không thể. Việt Nam chỉ nên đầu tư vào một số bộ môn mũi nhọn để tìm kiếm cơ hội cạnh tranh thành tích và Esports Mobile là một trong số đó.
Còn với LMHT, đặc biệt là tại VCS, người hâm mộ chỉ có thể mong chờ các công ty, tập đoàn có tầm cỡ lớn, sẵn sàng “đốt tiền” để xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân sự để có thể cải thiện thành tích của đội tuyển trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, chỉ các “đại gia” LPL mới chịu đầu tư theo cách này và phải mất một khoảng thời gian dài mới đạt được thành công. Trước năm 2018, thành tích quốc tế tốt nhất LPL từng có chỉ là vô địch MSI 2015. Còn nói về thành tích của VCS, việc cố gắng bắt kịp các khu vực lớn là gần như không thể bởi LMHT Việt Nam phải đi sau một chặng đường khá dài.