Năm 2008, Fernando Torres đã xếp thứ ba trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng châu Âu sau Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Anh đã ghi 38 bàn cho Liverpool kể từ đầu mùa giải trước. Vào tháng 6 cùng năm, bàn thắng của Torres đã giúp Tây Ban Nha giành chiến thắng một giải đấu quốc tế sau 44 năm chờ đợi. Tuy nhiên, anh không chắc mình có đứng trong hàng ngũ những cầu thủ giỏi nhất hành tinh hay không.
“Tôi không thể tin mình đã được đề cử”, Torres cho biết trong cuốn sách “Ring of Fire: Liverpool bước vào thế kỷ 21” của Simon Hughes, mô tả về cú sốc của Fernando khi được di chuyển bằng máy bay riêng. Steven Gerrard, đội trưởng CLB kiêm bạn thân, đã trấn an và nhấn mạnh rằng anh xứng đáng giành được giải thưởng. Torres nhớ những lời của Gerrard, ngay cả khi anh không hoàn toàn tin chúng, anh nói thêm: “Gerrard nói với tôi rằng cậu ấy thực sự nghĩ như vậy”.
Hội chứng kẻ giả mạo là một phức cảm Jonah hoặc đơn giản là sự thiếu tự tin vào bản thân. Có lẽ bất kỳ nỗ lực giải thích nào cũng không đủ nhưng ít nhất nó cũng giúp chúng ta thấy cách mà Torres nhìn nhận chính mình khi đứng trên đỉnh cao. Ngay cả khi là một hiện tượng ghi bàn mới, Torres vẫn cảm thấy không xứng đáng khi màn trình diễn của anh được đánh giá cao.
Không tự nhiên mà bóng đá trở thành niềm đam mê của Torres. Sự hứng thú của anh với môn thể thao này bắt nguồn từ loạt phim hoạt hình “Đội trưởng Tsubasa” - có tựa đề “Oliver y Benji” ở Tây Ban Nha – và Torres đã nói rằng anh bắt đầu chơi chỉ vì bị anh trai Israel “ép”. Ngay cả tình cảm của anh với Atletico Madrid cũng đến tương đối muộn. Trận đấu đầu tiên của Torres là trận hòa 1-1 trước Compostela với ông nội Eulalio vào năm 1995, không lâu trước sinh nhật thứ 11 của anh.
“Tôi không hề lưu luyến khi rời sân vận động”, Torres thừa nhận trong cuốn tự truyện của mình. Anh nhớ lại đêm đầu tiên tại Vicente Calderon: “Trời lạnh, không có nhiều tiếng cổ vũ và bầu không khí trên khán đài thì vắng lặng”. Nhưng chỉ sáu năm sau, anh là hy vọng lớn nhất khi CLB đang trên đà suy sụp. Trong lúc Atletico vật lộn để hồi phục sau khi bị chuyển xuống Segunda Division, giải hạng hai của Tây Ban Nha, Torres đã nhanh chóng được đưa vào đội 1 để xoa dịu NHM. Báo chí mô tả anh như một thần đồng, một anh hùng dân tộc, một người con trai bản xứ và một vị cứu tinh. Lúc đó Torres 17 tuổi.
Khi anh giúp Atletico trở lại thời kỳ đỉnh cao, Torres được mệnh danh là đội trưởng trẻ nhất của CLB. Ở tuổi 19, Torres nói rằng đó là trách nhiệm mà anh “không bao giờ nên nhận khi còn trẻ như vậy”. Anh cố gắng chỉ huy những người lớn tuổi hơn mà không dựa dẫm vào kinh nghiệm của người đồng đội Carlos Aguilera, nhưng gánh nặng này không ngăn Torres ghi được lượng bàn thắng trên hai con số mỗi mùa giải tại Vicente Calderon. Anh gắn bó với Atletico bảy mùa giải, lâu hơn nhiều so với NHM mong đợi.
Sau đó anh đến Liverpool, nơi sự nghiệp của Torres chia thành hai giai đoạn khác biệt. Giai đoạn đầu chứa đầy những bàn thắng như trong trận đấu trước Marseille tại SVĐ Velodrome vào cuối năm 2007, tại đây Torres bộc lộ tài năng như một trung phong toàn diện. Với cú đỡ bóng khiến Lorik Cana chết lặng, cú xoay người làm hậu vệ Julien Rodriguez lúng túng và cú dứt điểm thấp tránh khỏi nỗ lực trượt bóng của Gael Givet, sau đó Torres vui vẻ nhảy chân sáo khi quả bóng lăn vào góc xa khung thành.
Đó là một màn ghi bàn cá nhân xuất sắc, không giống với bàn thắng đầu tiên của Torres cho Liverpool trước Chelsea một vài tháng trước đó hay bàn thắng với Derby County một vài tuần sau đó. Từ góc độ kỹ thuật, nó có thể là bàn thắng tốt nhất mà anh ghi được trong thời gian ở Anfield. “Bàn thắng cá nhân thường nổi bật và khéo léo nhất,” Torres cho biết, “nhưng tôi không nghĩ rằng chúng là tuyệt nhất”. Một lần nữa, siêu sao bất đắc dĩ lại thật khiêm tốn.
Nếu giai đoạn đầu trong sự nghiệp là lý do Torres có mặt trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng châu Âu, thì giai đoạn sau đó là lý do số bàn thắng của anh ít hơn một nửa. Torres đã bị chấn thương gân kheo dai dẳng vào mùa xuân năm 2010 và anh quyết định phẫu thuật trong một nỗ lực để tham dự World Cup. Torres vội vã trở lại, đấu tranh cho phong độ, bị HLV Vicente del Bosque bỏ rơi sau trận tứ kết và phải chịu thêm một chấn thương trong hiệp phụ của trận chung kết.
Từ đó, mọi thứ không còn như trước nữa. Torres cố gắng khôi phục thể trạng và lo lắng về việc giành lấy những danh hiệu trong khi vẫn ở thời kỳ đỉnh cao. Cùng với đó là vụ lùm xùm với các chủ quản của Liverpool, Tom Hicks và George Gillett. Vụ việc được Tập đoàn Thể thao Fenway (FSG) tiếp quản vào tháng 10 năm 2010 nhưng không thể cứu vãn được tình hình. Vào tháng 1 Torres đã chấp nhận lời mời của Chelsea. Torres muốn sự đảm bảo từ các nhân vật cấp cao tại Anfield rằng anh là một phần của CLB trong tương lai nhưng không nhận được phản hồi. Anh thấy họ không muốn vậy.
Năm 2011, Torres chuyển đến Chelsea với mức giá 50 triệu bảng. Một kỷ lục khiêm tốn với 45 bàn thắng sau 172 lần ra sân đã che dấu sự sụp đổ của Torres từ một mối đe dọa ghi bàn trở thành một hố đen cô độc, không phối hợp được với đội hình và phong cách chơi của đồng đội, với cái đầu cúi gằm và bờ vai oằn xuống dưới sức nặng của sự mong đợi. Torres đã không thoát khỏi sự chế giễu theo mọi nghĩa, nhưng cũng thực sự buồn trước phong độ giảm sút của anh.
Tuy nhiên sẽ là sai lầm khi nói về sự nghiệp sau năm 2011 của Torres mà không nhắc đến công lao hay thành tích. Anh đã giành được nhiều cúp vô địch trong những năm sau đó. Torres được bầu chọn là cầu thủ ghi bàn hàng đầu tại Euro 2012, mặc dù chỉ ghi ba bàn thắng và một bàn trong loạt sút luân lưu. Torres đã nâng chiếc cúp đầu tiên của mình với Atletico trong trận đấu áp chót của anh cho CLB.
Theo dõi những bàn thắng trước đây cho thấy một Torres cổ điển, từ cú đỡ bóng đến pha bóng bổng ra xa khung thành. Đối với một cầu thủ mà sự tự tin và tâm lý luôn bị nghi ngờ, anh tiếp cận khung thành của thủ môn Victor Valdes mà không hề do dự. Khi đó, có sự thay đổi quen thuộc trong sự cân bằng, cho phép Torres vượt mặt thủ môn và ghi bàn. Nó cũng có thể là khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp với các CLB của anh.
Torres tuyên bố từ giã bóng đá vào tháng 6 năm ngoái và trải qua mùa giải cuối cùng với CLB Sagan Tosu tại Nhật Bản, quê hương của đội trưởng Tsubasa. Mùa hè 2018, anh nói lời chia tay với Atletico và bóng đá châu Âu, kết thúc hợp đồng với phong cách khiêm tốn đặc trưng: “Cảm ơn rất nhiều và xin lỗi vì đã cho đi quá ít”.
Đây như một lời chia tay khiêm tốn không cần thiết. Torres không chỉ giành được chức vô địch Europa League cùng Atletico, mà số tiền kiếm được từ vụ chuyển nhượng của anh đã khởi đầu một kỷ nguyên vàng trong lịch sử CLB. Torres là cầu thủ đã giành chức vô địch World Cup và hai Giải châu Âu cho đất nước của anh, cũng như một danh hiệu Champions League. Anh đã trở thành một nhân vật huyền thoại tại Atletico và từng được tôn sùng ở Merseyide. Anh được coi là một trong những chân sút giỏi nhất thế giới, chỉ sau Messi và Ronaldo. Nhưng khi bạn nhớ đến Torres, thật khó để không đồng ý rằng anh có thể đạt được nhiều hơn thế.
VIDEO: Khoảnh khắc lịch sử Torres chính thức nhấn chìm Barca tại C1