Nhiều người có ý định hoặc đã mua ô tô lúc khuyến mại nhưng chưa đăng ký ngay vì chờ ngày mà lệ phí trước bạ giảm 50% chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, việc sử dụng xe mà chưa đăng ký có thể vi phạm quy định về thời gian đăng ký xe.
Hiện nay, mặc dù đã chốt ngày áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ nhưng nhiều người đã mua xe vẫn có thể quá hạn đăng ký xe vì đã "găm" hàng từ trước.
Theo khoản 3 Điều 6 thông tư 15/2014, trách nhiệm của chủ xe như sau:
"Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe."
Như vậy, có thể hiểu rằng khách hàng phải hoàn thành thủ tục đăng ký xe trong vòng 30 ngày kể từ khi xuất hóa đơn. Nếu quá 30 ngày vẫn chưa có giấy đăng ký, chủ xe sẽ phải chịu phạt.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cho việc không đăng ký xe sang tên là 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, 6-8 triệu đồng đối với tổ chức.
Các bước để lưu hành một chiếc xe mới: kê khai phí trước bạ, nộp phí, đăng ký biển số. Như vậy, để có thể đăng ký xe, chủ xe buộc phải nộp lệ phí trước bạ trong vòng 30 ngày.
Đáng chú ý, theo Điểm c Khoản 4 Điều 1 Nghị định 20/2019 sửa đổi Điểm b Khoản 4 Điều 10 Nghị định 140/2016, thời gian nộp phí trước bạ là 30 ngày kể từ ngày ký thông báo nộp của cơ quan thuế. Nếu quá hạn, sẽ phải nộp phạt tiền trả chậm theo quy định từ Luật Quản lý thuế.
Theo Luật Thuế 2019, số tiền bị phạt nếu nộp lệ phí trước bạ chậm là 0.03%/ ngày. Như vậy, nếu phải nộp phí trước bạ là 100 triệu đồng, nhưng chủ xe để quá hạn 10 ngày, thì mức phạt sẽ là 100 triệu x 0.03% x 10 ngày = 300.000 đồng.
Như vậy, nếu người dân mua xe ô tô và quá hạn nộp phí trước bạ 30 ngày sẽ phải nộp phạt theo mức 0.03% của phí trước bạ phải nộp/ ngày.
Nếu tính tổng quát, khi chưa có biển số, chưa có bảo hiểm trách dân sự, chưa đăng kiểm và chưa có giấy đăng ký xe, chủ xe có thể sẽ phải nộp phạt lên tới 8 triệu đồng thậm chí nhiều hơn nếu để quá hạn càng lâu.