Hơn nửa thế kỷ trước, khi nhắc đến phái Thiếu Lâm tại Việt Nam, giới võ lâm liền nghĩ đến võ sư nổi tiếng Vũ Đăng Thường.
Võ sư Vũ Đăng Thường sinh năm 1898, tại thôn Đại Nghĩa (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Theo phả hệ, gia đình võ sư Thường có gốc Trung Quốc nhưng đã đến Việt Nam từ nhiều thế hệ trước đó.
Từ nhỏ, võ sư họ Vũ đã được tiếp xúc với võ thuật Thiếu lâm từ sư phụ là chính người cha của ông. Theo lời kể lại, cậu bé Thường khi còn nhỏ đã bộc lộ khả năng thiên phú về võ nghệ, nói theo cách của giới võ học thì là "vừa biết đi đã biết đánh quyền".
Nhiều năm sau, võ sư Thường tiếp tục theo học nhiều cao thủ Thiếu Lâm khác. Đến những năm 40 của thế kỉ trước, võ sư Thường đã đạt đến cảnh giới rất cao của môn phái này. Tiếng tăm của ông bắt đầu vang danh khắp hai tỉnh Nam Định, Hà Nam.
Thế nhưng, để được ghi nhớ mãi đến ngày hôm nay, cao thủ Vũ Đăng Thường đã phải trải qua một trận chiến được đánh giá là kinh điển của lịch sử võ Việt Nam.
Theo đó, năm 1956, một võ sư nổi tiếng người Trung Quốc dẫn theo hàng chục đệ tử đến huyện Ý Yên (Nam Định) mở đài thi đấu võ thuật. 10 lạng bạc và 2 lạng vàng là giải thưởng của giải đấu. Bất kì võ sĩ nào muốn thử sức đều phải nộp một lạng bạc. Rất nhiều anh tài võ lâm Việt Nam đã đăng kí tham gia thi đấu.
Một tháng trôi qua, võ sư Trung Quốc vẫn "bất khả chiến bại" trước hàng trăm cao thủ võ Việt. Nhiều người đã nghĩ đến võ sư Vũ Đăng Thường lúc này đang ở trên Hà Nội, họ liền tức tốc mời ông về Nam Định thi đấu. Bỏ hết công việc, võ sư Thường quyết định về Ý Yên để thử tài cao thấp, đòi lại danh tiếng cho dân tộc.
Giải đấu khi ấy có quy định mỗi người được lựa chọn thi đấu ở 3 đài: Tránh thủ đài là đài thấp nhất, Đả lôi đài ở đẳng cấp cao hơn còn Tử đài là nơi chỉ có các cao thủ thực sự dám thử sức. Người lựa chọn giao đấu ở đài này cũng sẽ đối diện nguy cơ bỏ mạng. Trên Tử đài cũng đã sắp sẵn một cỗ quan tài nhằm hù dọa các võ sĩ.
Không run sợ, võ sư Thường chọn giao chiến ở Tử đài. Biết thanh thế của địch thủ, vị võ sư Trung Quốc không dám cho các đệ tử ra thi đấu như các trận đấu khác mà trực tiếp ra tay.
Ngay ở hiệp đấu đầu tiên, cao thủ đến từ phương Bắc đã thể hiện sự lợi hại khi tung cú đấm "tựa ngàn cân" thẳng vào mặt của võ sư Thường. Lãnh đòn hiểm, đại diện của Việt Nam choáng váng và bay mất bốn chiếc răng cửa.
Trước cảnh tượng hãi hùng đó, rất nhiều người đã khuyên võ sư Thường bỏ cuộc. Thế nhưng ông không nghe, quyết hạ đối thủ cho kì được.
Hiệp 2 diễn ra với thế trận tiếp tục nghiêng về cao thủ người Hoa, nhưng võ sư Thường cũng tỏ ra rất lì lợm trên Tử đài. Khi hiệp đấu chuẩn bị kết thúc, võ sư Thường bất ngờ quyết định chơi "tất tay", ông dồn toàn lực tấn công khiến đối thủ chao đảo và văng khỏi lôi đài trong tiếng reo hò không ngớt của khán giả.
Có thể nói, chiến thắng của Vũ Đăng Thường đã làm rạng danh nền võ thuật của Việt Nam, nhất là trước từ những cao thủ đến từ một đất nước có truyền thống võ học như Trung Quốc. Được biết, ông đã tặng toàn bộ giải thưởng cho địa phương để xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất.
Năm 1992, võ sư Vũ Đăng Thường mất tại quê nhà, hưởng thọ 94 tuổi. Sau này, người con trai của ông là võ sư Vũ Đăng Hoài cũng đi theo nghiệp võ của cha.
>> Huyền thoại võ Việt chỉ uống trà cũng khiến đối thủ khiếp vía bỏ chạy
>> Nữ đại cao thủ mạnh hơn cả Lý Tiểu Long, Diệp Vấn là ai?