Trong suốt một thời gian dài, người ta tin rằng hàng phòng ngự HAGL sẽ mạnh mẽ hơn nếu trong khung thành có thủ môn ngoại.
Truyền thống thủ môn ngoại
HAGL không hề xa lạ với thói quen sử dụng thủ môn ngoại. Từ khi giải vô địch quốc gia Việt Nam tiến lên sân chơi chuyên nghiệp, họ là một trong những đội bóng sử dụng nhiều thủ môn ngoại nhất.
Truyền thống này bắt đầu từ năm 2010. Khi ấy, sử dụng thủ môn ngoại như một trào lưu với các đội bóng tại V-League. Tại lúc cao điểm nhất, có tới 6 đội bóng (gần một nửa giải đấu) đứng trong khung gỗ không phải người Việt. Xu hướng này cũng không bỏ qua HAGL.
Cuối năm 2009, HAGL chiêu mộ thành công thủ môn CH Séc Michal Silhavy từ Sông Lam Nghệ An với niềm hy vọng trở thành hậu phương vững chắc cho sự thành công của thầy trò HLV Kiatisuk.
Nhưng mọi người nhanh chóng thất vọng bởi ngoài những pha cản phá luân lưu xuất sắc, 1 năm ở Gia Lai của thủ môn người CH Séc không còn dấu ấn nào khác.
Chưa hết niềm tin vào việc sử dụng thủ môn ngoại, năm 2011, HAGL tiếp tục mua về Bassey Akpan (người được BLĐ đội bóng đánh giá cao vì bản CV đẹp). Thực tế đã chứng minh, cựu cầu thủ người Nigeria đã chứng minh được năng lực của mình tại môi trường V-League.
Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian chơi bóng tại Việt Nam, Bassey lại liên tục bị các chấn thương hành hạ. 4 mùa bóng tại Gia Lai, anh chỉ thi đấu được 54 trận. Con số này không thỏa mãn được sự mong mỏi của mọi người dành cho anh. Năm 2015, anh rời Việt Nam về Nigeria chơi bóng thêm 1 năm trước khi treo găng.
Mới đây nhất, trước sự bất lực của hàng loạt HLV, BHL HAGL quyết định chiêu mộ Wieger Sietsma từ tận châu Âu. Họ mong rằng khả năng và kinh nghiệm của một thủ môn ngoại đã từng được gọi lên đội tuyển U19 Hà Lan sẽ giúp đội bóng vá được các lỗ hổng phòng ngự.
Dẫu vậy, mọi ý định vẫn đổ bế. Cuối tuần vừa qua, Sietsma chính thức công bố chia tay đội bóng khi mùa giải còn hai vòng nữa mới kết thúc.
Vấn đề của triết lý
Việc sử dụng thủ môn ngoại chỉ như một bước đi trốn tránh sự thật của HAGL. Họ là đội bóng có khả năng phòng ngự rất kém.
Không phải lúc nào HAGL cũng thiếu thủ môn giỏi đứng trong khung thành. Nhiều thủ môn có thâm niên ăn cơm tuyển đã đầu quân cho câu lạc bộ trong quá khứ. Thậm chí, đã có thời điểm, họ sở hữu cùng một lúc hai tài năng trẻ cực kỳ sáng giá: Tuấn Mạnh và Văn Lâm nhưng vẫn phải ngậm ngùi nhường vị trí cho Bassey.
Trong khoảng 10 năm gần đây, HAGL chưa bao giờ là mảnh đất tươi tốt cho các cầu thủ phòng ngự. Trong đó, tất nhiên không thể thiếu vị trí thủ môn. Đặc biệt, kể từ khi khóa 1 HAGL JMG được đôn lên đội 1, vấn đề này lại càng nan giải hơn.
Trong triết lý ươm mầm măng non của mình, lò JMG chú trọng tối đa vào việc phát triển khả năng kiểm soát bóng của cầu thủ. Cầu thủ sẽ được rèn luyện các kỹ thuật từ cơ bản và nâng cao để áp dụng vào trận đấu mà không coi trọng các yếu tố thế lực.
Kết quả là các cầu thủ của HAGL thường có các tố chất tấn công cao tốt hơn phòng ngự. Phần lớn các sản phẩm nổi tiếng của đội bóng đều là các cầu thủ tấn công (Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường,…)
Chúng ta rất khó để có thể kể tên các trường hợp trung vệ của lò chơi nổi bật. Bộ đôi trung vệ của đội bóng một thời: Ksor Úc giờ đã giải nghệ khi mới ở độ tuổi đôi mươi còn Đông Triều đang phải lang bạt tại Bình Dương.
Triết lí không phù hợp dẫn tới sự sụp đổ của cả hệ thống – một hệ thống yếu kém trong khâu phòng ngự. Bản thân các HLV dẫn dắt đội bóng chính là người cảm nhận rõ ràng nhất điều này.
Ngay tại thời điểm hiện tại, chính HLV đương nhiệm Lee Tae Hoon, cũng phàn nàn rất nhiều lần về vấn đề này. Hầu như trong buổi họp báo sau một trận thua, ông đều có chia sẻ chung: cầu thủ HAGL có những lỗi phòng ngự đã có từ rất lâu.
Đã tới lúc thay đổi
Thủ môn có giỏi tới đâu cũng không thể gánh vác được công việc của cả một hệ thống. Đã tới lúc BLĐ đội bóng cần nhìn nhận các vấn đề để cải thiện phương hướng phát triển của học viện HAGL JMG. Chính tư duy đào tạo trẻ và quản lý đã khiến khả năng phòng ngự của đội bóng suy yếu.
Trong giáo trình giảng dạy, lò HAGL JMG cần phải tập trung cải thiện yếu tố thể chất lẫn sức mạnh của các học viên. Bóng đá hiện đại không chỉ còn là cuộc chơi của cái đẹp. Mọi đột phá bóng đá hiện đại và trong tương lai luôn gắn liền với các yếu tố nền tảng thể chất và thể lực của cầu thủ.
Cách thức phát triển của câu lạc bộ cũng cần có tính kế thừa. Cầu thủ trẻ cần có người kinh nghiệm chỉ dẫn thì mới có cơ hội để phát triển. Sự va chạm quá sớm mà không có sự che chở có thể khiến các cầu thủ trẻ nhụt trí và thui chột khả năng bản thân.
Bài học của lứa đầu tiên với sản phẩm đào tạo trẻ của Hà Nội FC vẫn còn nóng tính thời sự. Cùng ra mắt một thời điểm, nhưng trong khi lứa cầu thủ trẻ (Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng) của đội bóng Thủ đô càng thi đấu càng chững chạc thì cầu thủ phố Núi lại trở thành vị khách quen thuộc của vị trí xuống hạng.
Sự thay đổi tại Gia Lai cần thực hiện nhanh nhất có thể. Bởi với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều học viện bóng đá mới, nguồn cầu thủ có thể sẽ ngày càng khan hiếm. Các cầu thủ được coi “thần đồng” đều không chọn đội bóng phố Núi làm nơi chắp cánh ước mơ của mình. Đó chính là dấu hiệu tầm ảnh hưởng của đội bóng đang suy giảm.
Với những gì mình có, HAGL JMG nói riêng và HAGL nói chung vẫn có những ưu điểm riêng của mình. Tuy nhiên, nếu không thay đổi sớm, họ sẽ dần bị đảo thải bởi môi trường bóng đá khắc nghiệt. Khi đó, việc không chỉ liên quan tới mỗi các thủ môn ngoại.
Video: Văn Toàn và buổi tập cùng đồng đội