Quảng cáo

Học trò thầy Park từng phải bán trâu, vay nợ để đi đá bóng

Anh Quân Anh Quân
Thứ hai, 20/04/2020 11:29 AM (GMT+7)
A A+

Để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như hiện nay, gia đình của hậu vệ Phạm Xuân Mạnh đã phải hy sinh rất nhiều.

VIDEO: Phóng sự xúc động về gia đình Phạm Xuân Mạnh (Nguồn: VTV)

Vị “ân nhân giấu mặt”

Như bao cầu thủ trẻ khác tại Nghệ An, Phạm Xuân Mạnh sinh ra trong một gia đình nghèo cùng 2 chị em. Cái nghèo lắt léo đến mức cậu bé lúc ấy chỉ có thể lấy túi ni lông vo tròn thành trái bóng để thỏa mãn niềm đam mê với bóng đá. Bà Phan Thị Hà (mẹ Xuân Mạnh) thấy thế, nhiều lần quát lên quát xuống nhưng không được, sau để con tự thỏa mãn đam mê bản thân.

Cột mốc sự nghiệp đáng nhớ đầu tiên của Xuân Mạnh là khi anh tỏa sáng ở giải bóng đá huyện Minh Thành và giải U10 Nghệ An. Lúc này, gia đình mới có thêm động lực để cho anh thi tuyển vào lò trứ danh SLNA. Bà Hà còn tin rằng “bóng đá sẽ là con đường giúp con trai mình thoát nghèo”.

Ba ngày lên Vinh thi tuyển cũng là ba ngày bà Hà và Xuân Mạnh phải chắt bóp mọi thứ với chỉ 200.000 đồng. Mọi việc, đồ dùng không cần thiết đều phải cắt giảm tối thiểu để không tốn thêm tiền. Thậm chí, những ngày tiền thuê nhà còn chưa có, hai mẹ con còn phải nhường nhịn nhau từng xuất cơm cuối cùng cho qua cơn đói.

pham xuan manh slna viet namTrong lúc không biết xoay đâu ra tiền để giả tiền thuê trọ, bà Hà bất ngờ khi nghe tin có một “mạnh thường quân” giấu tên nào đó đã giả tiền giúp hai mẹ con. Niềm vui còn nhân lên bội phần khi Xuân Mạnh xuất sắc vượt qua hơn 30 cầu thủ để đỗ vào lò SLNA.

Niềm tin của gia đình Xuân Mạnh lúc đó như ánh sáng chợt lóe lên phía cuối con đường, mang tới cơ hội thoát nghèo. Đây cũng là cột mốc đầu tiên mở đầu cho con đường thành công sau này của anh. Vậy nên, đến tận bây giờ, bà Hà vẫn hay chia sẻ về kỷ niệm đó, hy vọng có ngày được gặp “vị ân nhân” để đền đáp công ơn.

Bán trâu, vay nợ cho con đá bóng

Năm 2007, Phạm Xuân Mạnh chính thức trở thành một thành viên của lò đào tạo SLNA. Cầu thủ người Nghệ An vui mừng khôn xiết khi sắp được chơi bóng cùng bạn bè, sắp được thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ấp ủ bao lâu nay.

Nhưng niềm vui mừng đó không xuất hiện ở bố mẹ Xuân Mạnh. Năm 2007 cũng là lúc gia đình anh rơi vào trạng thái túng bấn. Cái ăn, cái mặc còn chưa đủ đầy sao dám nghĩ tới việc cao sang nuôi con ăn học lâu dài.

Một lần, Xuân Mạnh xin bố mẹ mua giày để đi tập bóng cùng các bạn. Gom góp mãi mà chả đủ tiền, ông Linh (bố của Mạnh) đành phải chạy gấp sang hàng xóm vay chút ít tiền. Nhưng người hàng xóm (vốn biết hoàn cảnh gia đình Mạnh) chỉ từ chối với lý do: “Chú tiền mô trả lại mà đòi mượn tiền mua giày?”.

pham xuan manh slna viet namMột câu nói ngắn mà như ngàn nhát đập như búa bổ vào tâm tư ông Linh. Nhà gom góp mãi mà chả đủ tiền. Cậu con trai lại đang hào hứng khi trúng tuyển lò nổi tiếng SLNA. Phải làm sao bây giờ?

Đắn đo suy nghĩ lựa chọn thiệt hơn mãi, mấy ngày sau đó, ông Linh quyết định bán con trâu (cũng là tài sản lớn nhất của nhà lúc bấy giờ) để lấy 8 triệu đồng. 4 triệu để mua giày và lo kinh phí học tập cho Xuân Mạnh tại SLNA, 4 triệu còn lại gom góp để mua trâu mới.

Khoảng thời gian ở đội trẻ xứ Nghệ cũng là quãng thời gian khó khăn của gia đình Xuân Mạnh. Để có chi phí cho anh ăn học, gia đình luôn phải chạy đôn chạy đáo để vay tiền. Khoản nợ vì thế cũng tăng dần theo thời gian, mang theo bao muộn phiền cho ông Linh bà Hà. Cả hai chỉ mong con trai của mình có thể thỏa đam mê bản thân để thoát cái nghèo, thoát khỏi cuộc sống khổ cực như ông bà.

Thành công đổi đời

Năm 2017, Xuân Mạnh bắt đầu được đôn lên đội 1 SLNA chơi tại V-League. Mọi thứ lúc này bắt đầu giãn dần ra khi Xuân Mạnh nhận được mức lương 8 triệu đồng mỗi tháng. Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh tiết kiệm phần lớn số tiền để gửi về quê giúp bố mẹ trả nợ.

Thành công đỉnh điểm đến vào năm 2018 khi Xuân Mạnh cùng U23 Việt Nam giành chức Á quân VCK U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc. Chiến tích chưa từng có trong lịch sử giúp cầu thủ người Nghệ An có một khoản thưởng lớn sau đó. Anh cũng trở thành một cầu thủ quan trọng tại đội một SLNA. Các chế độ đãi ngộ cũng được để ý chú tâm hơn.

Ngày nhìn thấy con thành công ở Thường Châu, bà Hà nghẹ ngào phát khóc “Nó nhắn dì ơi, sau giải U23 chắc con có tiền trả hết nợ cho bố mẹ rồi. Nó cũng nhắn mình mua tivi mới đi, nó về rồi sẽ trả sau…”

Một hình ảnh xúc động khác diễn ra trong buổi đón tiếp đội tuyển U23 Việt Nam trở về Việt Nam từ giải U23 châu Á 2018. Tại sảnh sân bay nhộn nhịp hôm đó, hầu như mọi cầu thủ đều được vây quanh bởi đông đảo người thân và NHM. Vậy mà duy nhất Xuân Mạnh chỉ có mỗi mình mẹ đến đón. Ở một khu vực vãn người, hai mẹ con cứ ôm nhau sụt sùi khóc mãi không thôi.

pham xuan manh slna viet namCho đến giờ, dù đã là một cầu thủ nổi tiếng tại bóng đá Việt Nam nhưng Phạm Xuân Mạnh vẫn không bao giờ quên được những hình ảnh nghèo khổ nhưng nồng ấm sự yêu thương thời gian đó. Đấy cũng chính là động lực khiến anh phải luôn nỗ lực, khao khát nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn, thi đấu thành công trong tương lai.

Hơn ai hết, cũng như bao cầu thủ xứ Nghệ khác, Phạm Xuân Mạnh biết rằng “bóng đá là con đường thoát nghèo” của mình.

>>> Xem thêm: Duy Mạnh: "Thầy Park không bỏ rơi tôi ngay cả khi khó khăn nhất".

>>> Xem thêm: Phan Văn Đức: "Tôi chưa thấy HLV ĐTQG nào như thầy Park".

Quảng cáo
Phạm Xuân Mạnh SLNA ĐTQG Việt Nam U23 Việt Nam VCK U23 châu Á 2018
Xem thêm