Vấn nạn chấn thương thực tế đã xuất hiện từ lâu trên đội tuyển nhưng lại bị phai mờ bởi những thành công dễ nhìn thấy trước mắt.
Nội dung chính
Sáng ngày 1/10, hàng loạt phương tiện truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin Xuân Trường gặp phải chấn thương đứt dây chằng bán phần. Đây là một chấn thương nặng, có thể khiến anh phải nghi thi đấu khoảng 6 – 9 tháng hoặc hơn.
Điều này khiến người hâm mộ không khỏi xót xa cho chàng cầu thủ dễ mến này. Còn với nhiều người, đó lại là nỗi lo – một nỗi lo cháy âm ỉ nhiều năm nay.
Không phải câu chuyện mới
Những chấn thương nặng như của Xuân Trường tại các cấp độ đội tuyển Việt Nam có hiếm không? Câu trả lời tất nhiên là không. Chấn thương của chàng tiền vệ HAGL chỉ như một dấu chấm nhỏ bổ sung vào bản danh sách thương binh nặng đã dài từ lâu của tuyển Việt Nam dưới triều đại HLV Park Hang Seo.
Kể từ khi khoác lên mình tấm áo mới ở Thường Châu, đi kèm với thành công là rất nhiều chấn thương nặng của các tuyển thủ như Văn Đức, Xuân Mạnh, Xuân Hưng, Văn Thanh, Đình Trọng,… Các chấn thương này đa phần đều rất nặng, cần từ 6 tháng – 1 năm để điều trị và hồi phục.
Trên thực tế, việc hàng loạt trụ cột chấn thương như trên không phải mới. Dưới thời Toshiya Miura, tình trạng này cũng xuất hiện. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị lối chơi quyết liệt, giàu thể lực của HLV Nhật Bản che lấp. Người ta cho rằng do vị HLV sai chứ không phải do các cầu thủ.
Quay trở lại thực tại, dưới thời HLV Park Hang Seo cũng có rất nhiều ca chấn thương. Thậm chí, mức độ chấn thương nghiêm trọng còn xuất hiện với mức độ ngày càng dày. Tuy nhiên, không ai dám phản đối vị HLV Hàn Quốc như cách đã làm với người đàn ông Nhật Bản kia. Đơn giản, vì ông đang là người thành công tại Việt Nam.
Nhưng có thật trách nhiệm chỉ liên quan tới ông Park hay ông Miura?
Sự trưởng thành chưa theo kịp thành tích?
Câu trả lời hoàn toàn không. Những người đàn ông trên chỉ đang cố hết sức để nâng tầm bóng đá Việt. Vấn đề nằm ở sự thiếu thốn sự chăm sóc y tế cho các cầu thủ của chúng ta.
Thành công của bóng đá Việt Nam vô tình khiến các cầu thủ gánh chịu vô vàn áp lực. Chưa bao giờ các đội bóng Việt Nam lại tiến sâu ở nhiều giải đấu liên tiếp như vậy. Điều này bắt buộc các cầu thủ phải “cắn răng” cống hiến hết sức lực bản thân trong điều kiện không được chăm sóc đúng cách.
Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có khi lên tuyển, các cầu thủ mới được chú tâm về vấn đề chăm sóc sức khỏe. Còn khi về CLB, vấn đề này thường được không quan tâm nhiều hoặc thực hiện theo kiểu kiêm nhiệm.
Tính riêng V-League, ngoài TP. HCM và phần nào đó Nam Định, phần lớn các CLB vẫn chưa có các HLV thể lực chuyên trách. Công việc liên quan tới sức khỏe cầu thủ thường chỉ được giao cho đội ngũ bác sĩ mà chưa có sự phân chia chuyên sâu.
Nhiều đội bóng thấy cầu thủ của mình chấn thương lại không dám cho nghỉ vì sợ thành tích bị ảnh hưởng. Sông Lam Nghệ An với trường hợp cố sử dụng Văn Đức và Xuân Mạnh là minh chứng điển hình cho ví dụ này.
Các hạn chế này cứ tích tụ dần theo thời gian mà không lộ ra. Chỉ tới khi lên tuyển, chơi một thứ bóng đá đẳng cấp khu vực, những vết thương ẩn sâu mới bắt đầu bộc phát nặng nề, khiến cầu thủ chịu những tổn thương sức khỏe nguy hiểm.
Vấn đề sức khỏe trên không chỉ liên quan tới người huấn luyện hay các cầu thủ, sâu xa hơn, nó cho thấy sự chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Chúng ta vẫn luôn muốn giành được kết quả tốt trên đấu trường châu lục nhưng lại chưa bao giờ chịu vun đắp đủ đầy điều kiện để với gặt hái thành quả đó.
Đã tới lúc cần thay đổi
Bóng đá Việt Nam đã có cho mình sức bật mạnh mẽ để vươn mình kể từ thành công tại Thường Châu. Nhưng nếu chỉ dựa hoàn toàn vào riêng lẻ một lứa cầu thủ xuất chúng thì sẽ không thể gặt hái được thành quả bền lâu. Thành công trong bóng đá chỉ xuất hiện khi có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề y tế thể thao không thể tách rời.
HLV Park Hang Seo chắc chắn cũng nhận thức điều đó. Ông đã nhiều lần lên tiếng nói về sự thiếu chuyên nghiệp của các CLB ở Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề y tế. Vậy nên, trong 2 năm tại Việt Nam, ông đã có rất nhiều hành động thực tế để kêu gọi sự phát triển bóng đá Việt Nam toàn diện hơn. Nếu chỉ bằng những sự đầu tư thủng lỗ chỗ như hiện nay, chúng ta hoàn toàn “chưa sẵn sàng cho World Cup.”
Tầm nhìn này đã được ngài Park chia sẻ rõ ràng. Giờ tới lúc VFF thể hiện quyết tâm xây dựng bóng đá của mình không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Nếu không, kết hoạch tham dự World Cup 2026 hay 2030 chỉ mãi nằm trên giấy.
Các đội bóng cũng cần có sự chung tay hỗ trợ cùng với VFF. Thay vì hoạt động lay lắt như hiện nay, mô hình bóng đá chuyên nghiệp với đầy đủ các cơ sở cơ bản để luyện tập và thi đấu cần xây dựng sớm nhất có thể.
Tình trạng chấn thương nặng hàng loạt gần đây của Việt Nam cho thấy, chỉ mỗi tài năng chơi bóng chưa đủ để phát triển. Các cầu thủ cần cung cấp mọi mặt từ dinh dưỡng, y tế cho tới tinh thần thi đấu. Có vậy, những cống hiến của họ cho bóng đá nước nhà mới bay cao và bền lâu được.
Video: HLV Park Hang Seo cho rằng Việt Nam chưa đủ khả năng tham dự World Cup (Next Sports)