Triệu Vân, qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, được ca ngợi là 'Thường thắng tướng quân' hay Võ Thần Triệu Tử Long, vậy võ nghiệp của danh tướng nhà Thục Hán này thực sự ra sao?
Triệu Vân, tự Tử Long, được nhiều người biết đến chủ yếu qua tiểu thuyết 'Tam quốc diễn nghĩa' của La Quán Trung. Trong tác phẩm này, Triệu Vân được mô tả là một dũng tướng của nhà Thục Hán, là trung thần của Lưu Bị và hậu chủ Lưu Thiện sau này. Về lòng trung thành, Triệu Tử Long trong lịch sử cũng giống như trong truyện, nhưng sức mạnh của ông lại không hẳn là như vậy.
Theo bộ chính sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Triệu Vân là "người quận Thường Sơn huyện Chân Định. Lúc trước quy thuộc Công Tôn Toản, Toản phái Tiên chủ (Lưu Bị tự Huyền Đức) giúp Điền Khải cự Viên Thiệu, Vân liền đi theo, giúp Tiên chủ thống lĩnh quân kỵ."
Trong sự nghiệp phò tá Lưu Bị và Thục Hán, Triệu Vân chỉ có hai hoặc ba công trạng đáng kể. Thứ nhất là trận chiến với quân Tào Tháo ở đồi Bác Vọng, thứ hai và cũng là chiến tích nổi tiếng nhất của Triệu Tử Long: một mình xuyên phá vòng vây 80 vạn quân Tào ở dốc Đương Dương, Trường Bản.
Tam Quốc Chí chép: "Lúc Tiên chủ bị Tào công (Tào Tháo tự Mạnh Đức) truy đuổi ở Đương Dương Trường Bản, bỏ vợ con chạy về nam, Vân tự mình ôm con nhỏ, tức Hậu chủ (Lưu Thiện tự Công Tự), bảo hộ Cam phu nhân, là mẹ của Hậu chủ, đều được thoát nạn."
Tam Quốc Chí cũng dẫn Vân biệt truyện (truyện riêng về Triệu Vân): "Lúc trước, Tiên chủ thua bại, có người nói Vân đã bỏ về bắc (Tào Tháo), Tiên chủ ném kích vào người ấy nói: 'Tử Long chẳng bỏ ta mà chạy'".
Có thể thấy, cả hai nguồn chính sử đều không nhắc đến chi tiết 80 vạn quân Tào Tháo như trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đề cập. Thực tế, Tào Tháo chỉ đem theo 5000 quân kỵ, không đủ cho Triệu Tử Long thỏa sức 'đại khai sát giới'. dù chuyện Triệu Vân quay lại tìm Cam phu nhân và A Đẩu (Lưu Thiện) là có thật, dẫn hai người này cùng một lúc trở về với Lưu Bị.
Vì vậy, chiến tích này của Triệu Vân không thực sự 'thần thánh' như dưới ngòi bút của La Quán Trung. Có lẽ trận đánh ở gò Bác Vọng còn cho thấy nhiều tài năng võ nghệ của Triệu Tử Long nhiều hơn khi ông từng giao chiến với danh tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Đôn dù không trực tiếp tỷ thí võ nghệ. Trận này, Tử Long bắt sống được thuộc hạ của Đôn là Hạ Hầu Lan.
Tam Quốc Chí chép: "Vân cùng Hạ Hầu Đôn giao chiến ở Bác Vọng, bắt sống Hạ Hầu Lan. Lan với Vân vốn là người cùng làng, lúc nhỏ có biết nhau, Vân bẩm với Tiên chủ cho Lan sống."
Ở trận này, La Quán Trung từng 'cộng thêm' một đối thủ nữa cho Triệu Vân là Vu Cấm trong Tam quốc diễn nghĩa, nhưng thực tế thì Vu Cấm không tham gia trận đánh này. Ngoài một lần cứu ấu chúa và một lần bắt sống tướng địch, Triệu Tử Long tỏ ra là một vị tướng có tài giải nguy cho tàn quân.
Có thể thấy võ nghệ và chiến tích của Tử Long trong lịch sử không xứng với danh hiệu 'Võ Thần' như được ca ngợi. Triệu Vân chưa từng giao chiến và đánh bại được bất kỳ danh tướng nào. Chiến công rõ rệt nhất của Triệu Vân là từng bắt được Hạ Hầu Lan trong trận Bác Vọng.
Còn lại thì Triệu Vân thường nổi danh với những trận đánh mà trong đó quân của ông lâm vào nguy hiểm, bị đánh cho 'te tua' và Triệu Vân khoe cái dũng ra vào trong vòng giặc để cứu đám tàn quân của mình.
Bài viết tham khảo dữ kiện từ các tài liệu:
Tam Quốc Chí - Trần Thọ.
Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung.
Vân biệt truyện.