Năm 2016, Bầu Đức đã phải bán đi một số mảng kinh doanh, thế chấp nhiều tài sản có giá trị để vay ngân hàng trả nợ nhưng quyết tâm giữ bằng được đội bóng cũng như Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG.
VIDEO: Tình huống gây tranh cãi ở trận Viettel vs HAGL. Nguồn: VTV
Năm 2016, Tập đoàn HAGL rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử 30 năm thành lập. Bầu Đức khi đó phải sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá trị để làm tài sản thế chấp vay ngân hàng.
Công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG được mang ra thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng, với lãi suất 5,05-10,5% và thời hạn thanh toán từ ngày 25-11/9/2016.
Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL kể lại: “Thời điểm đó, đánh giá chung khả năng tồn tại của HAGL rất khó. Có người muốn chia sẻ đã nói với ông Đức giao lại Học viện để họ làm, nhưng ông Đức kiên quyết từ chối. Ông khẳng định dù có khó khăn cỡ nào thì có hai thứ ông sẽ luôn giữ lại là Học viện HAGL Arsenal JMG và bệnh viện HAGL. Nói thế để thấy, ngay trong khó khăn, đội bóng HAGL và học viện HAGL-Arsenal vẫn rất có giá. Giá trị của nó vô hình không đo đếm được" – theo Zing.
HAGL lỗ hợp nhất 1.503 tỷ đồng trong năm 2016. Tổng nợ phải trả lên tới 36.113,7 tỷ đồng, một con số khổng lồ. Tài sản ngắn hạn cuối năm 2016 là 9.394 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn lên tới 12.726 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HAG của bầu Đức sụt giảm thê thảm chỉ ở quanh mốc 9.000 đồng khiến ông bật khỏi danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Dù khó khăn đến vậy trong thời điểm đó, bầu Đức vẫn chi ra 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG tiếp tục hoàn thiện công việc xây dựng còn dở dang. Chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG trong chi phí trả trước dài hạn lên tới 58 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2017, bầu Đức lại tăng chi phí cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG thêm 49 tỷ đồng.
Trong suốt hơn 10 năm, Bầu Đức phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL JMG. Và hơn 12 năm qua, tổng số tiền ấy đã là 60-70 triệu USD.
Trong thời điểm khó khăn nhất, bầu Đức đã bán đi mảng bất động sản, thủy điện, mía đường… nhưng quyết giữ lại bóng đá, mảng chỉ tiêu tốn tiền của ông mà không đem lại lợi nhuận hay doanh thu. Với ông, bóng đá là niềm vui, là niềm đam mê, là đứa con tinh thần không thể thiếu dù ở trong mọi hoàn cảnh khó khăn nhất.