Không được mặc áo ba lỗ để thi đấu, thủ môn phải mặc áo khác màu với cầu thủ trên sân là những quy định không phải ai cũng biết về trang phục đá bóng.
Trang phục đá bóng của cầu thủ theo quy định của FIFA luôn bao gồm quần đùi, áo và tất đi chân. Ngoài ra còn có thêm một số phụ kiện như găng tay, mũ bảo hộ của thủ môn. Tất cả trang phục thi đấu làm nên một bộ được gọi "Kit".
Tất cả các bộ Kit luôn phải tuân thủ theo quy định chặt chẽ của FIFA nhằm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khi thi đấu.
1. Áo thi đấu phải là áo cộc hoặc dài tay nhưng không được là áo ba lỗ
Để được ra sân, những chiếc áo đá bóng bắt buộc phải là áo cộc hoặc dài tay.
Quy định này áp dụng ở mọi trận đấu trong khuôn khổ của FIFA chính vì vậy chúng ta không bao giờ thấy một đội bóng mặc áo ba lỗ để thi đấu.
Mặc dù vậy, vẫn có những ngoại lệ. Vào năm 2002, đội bóng của Cameroon tham dự World Cup với kiểu áo ba lỗ khá độc.
Dĩ nhiên, ban tổ chức kỳ World Cup năm đó không chấp nhận và yêu cầu các cầu thủ Cameroon phải mặc áo cộc tay màu đen bên trong mới được ra sân.
2. Màu của bộ đồ thi đấu giữa hai đội không được trùng nhau
Áo, quần và tất khi thi đấu giữa hai đội bóng không được trùng nhau. Vì lý do này mà hầu như tất cả các đội bóng đều có 3 bộ đồ thi đấu gồm sân khách, sân nhà và bộ thứ ba.
Ngoài ra, mỗi đội còn có từ 2 – 3 màu tất đi chân khác nhau nhằm tránh tối đa trường hợp bị “đụng màu”.
Quy định này được đặt ra là để các trọng tài dễ dàng phát hiện các trường hợp phạm lỗi thông qua sự khác biệt về màu khi va chạm.
Gần đây, khi phải làm khách trên sân vận động Stamford Bridge, Liverpool đã phải đổi tất để tránh bị đụng màu với Chelsea.
3. Cởi áo sẽ bị phạt kể cả là để khoe thông điệp bên trong
Trong thời gian thi đấu, các cầu thủ không được cởi áo nếu không sẽ bị thẻ vàng. Quy định này áp dụng kể cả khi cầu thủ có mặc áo khác bên trong. Hoặc cởi áo khoe thông điệp cá nhân.
Điều này được quy định để tránh việc các cầu thủ bị lợi dụng để tuyên truyền thương mại hoặc vì mục đích chính trị.
Khi ông chủ của CLB Leicester City qua đời, cầu thủ Demarai Gray sau khi ghi bàn đã vén áo đấu để truyền tải thông điệp "For Khun Vichai" nhưng vẫn bị phạt thẻ vàng sau đó.
4. Không được đeo đồ trang sức
Quy định này nhằm tránh các tổn thương cho chính cầu thủ mang và các cầu thủ khác trên sân.
Việc đeo nhẫn hoặc vòng ở các vị trí thường xuyên va chạm nhiều như tay, cổ hoàn toàn có thể gây ra những vết thương nghiêm trọng nếu xảy ra va chạm.
Tuy nhiên với lỗi này, các cầu thủ chỉ bị nhắc nhở và chỉ khi không tuân theo sự nhắc nhở của trọng tài thì mới bị phạt.
Thủ môn Đặng Văn Lâm từng để lộ việc mình đeo dây chuyền trong hiệp 1 trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018. Tuy nhiên sau đó anh đã tháo ra khi vào hiệp 2.
5. Thủ môn phải mặc khác màu với đội nhà và trọng tài
Do đặc thù là cầu thủ được thi đấu bằng tay, thủ môn sẽ có nhiều lợi thế hơn trong tranh chấp bóng.
Việc thủ môn phải mặc áo khác màu là nhằm đảm bảo trọng tài có thể phân biệt được thủ môn và cầu thủ khác trong các tình huống dùng tay chơi bóng.
6. Cầu thủ được dùng mũ và mặt nạ bảo hộ
Trong một số trường hợp đặc biệt, các cầu thủ sẽ được dùng mũ và mặt nạ bảo hộ để đảm bảo an toàn.
Người nổi tiếng nhất chính là cựu thủ môn Petr Cech. Sau một tai nạn va chạm vào đầu năm 2006, các bác sĩ chẩn đoán nếu lại xảy ra va chạm sẽ không tốt cho não của Petr Cech. Chính vì vậy cựu thủ môn của Arsenal đã phải đeo mũ bảo hộ để bảo vệ phần đầu trong rất nhiều trận đấu sau đó.
Ngoài ra, nhiều cầu thủ còn sử dụng mặt nạ để bảo vệ phần xương lá mía ở mũi bởi phần này rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên mặt nạ bắt buộc phải đảm bảo chỉ che một phần mặt và không được che kín đầu. Những chiếc mặt nạ không có tác dụng bảo hộ thì sẽ không được sử dụng trong thi đấu.
7. Găng tay thủ môn không được tạo lợi thế khi bắt bóng
Găng tay sẽ giúp thủ môn bắt bóng tốt hơn. Tuy nhiên những chiếc găng này chỉ được phép làm từ vật liệu thường và không được có tác dụng tăng hiệu quả bắt bóng như gắn keo hoặc giác hút…v..v