Việc dắt theo các cô cậu bé bước ra từ đường hầm là một hành động đem đến nhiều thông điệp ý nghĩa, nhưng tại Ngoại hạng Anh, hành động này đã bị biến tướng đến mức đáng lên án.
VIDEO: Bàn thắng tinh tế của Bruno Fernandes trong màu áo Bồ Đào Nha
Hình ảnh cầu thủ 2 đội dắt tay các em nhỏ đi ra khỏi đường hầm từ lâu đã là một hình ảnh đẹp đem đến nhiều thông điệp ý nghĩa trong môn thể thao vua. Thế nhưng mới đây, một báo cáo của người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh đã hé lộ sự thật gây sốc về hành động ý nghĩa này, ở ngay tại giải Ngoại hạng Anh.
Theo ông Julian Knight - người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của vương quốc Anh, các đội bóng ở giải đấu cao cấp nhất xứ sở Sương mù đã lợi dụng nét văn hóa này để kiếm tiền từ các gia đình giàu có tại Anh.
Cụ thể, theo Telegraph, để con em mình có vinh dự được các ngôi sao sáng giá tại Ngoại hạng Anh dắt tay ra sân trước mỗi trận đấu triệu đô tại giải Ngoại hạng, các bậc phụ huynh phải chi trả số tiền không nhỏ cho chính các đội bóng.
Đây thực sự là 1 biến tướng đáng quan ngại, thậm chí đáng bị lên án. Trước đây, hầu hết các em bé đảm nhận nhiệm vụ ra sân cùng cầu thủ (còn gọi là Mascot) hầu hết là thành viên tại đội trẻ của chính CLB, hoặc các bé được chọn từ các trường học trong khu vực. Việc này hoàn toàn miễn phí!
Nắm tay song hành cùng thần tượng ra sân là hành động nhân văn, mang ý nghĩa chắp cánh ước mơ cho những ngôi sao tương lai. Cũng là động lực để các bé (phần lớn là thành viên của học viện đội bóng đó) quyết tâm hơn trong quá trình rèn luyện.
Thế nhưng với việc phải trả số tiền đắt hơn cả tiền vé xem bóng đá để "mua" suất ra sân cùng cầu thủ, các đội bóng cũng như các gia đình khá giả tại Anh đã trực tiếp phá bỏ giấc mơ của các em nhỏ, đặc biệt là các em nhỏ thuộc những gia đình lao động. Giờ đây, những ước mơ giản dị trong sáng phải trả bằng tiền.
"Việc được đóng vai Mascot (ra sân cùng cầu thủ) giờ đây bỗng trở thành đặc quyền của riêng các gia đình khá giả. Điều này trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa bóng đá dành cho mọi lứa tuổi, và dành cho mọi đứa trẻ. Nên nhớ, chính tầng lớp lao động là gốc rễ cho sự phát triển của bóng đá" - Julian Knight chia sẻ trong báo cáo về sự biến tướng trong khâu lựa chọn Mascot của các đội bóng Anh.
Cũng theo Julian Knight, chỉ có Man Utd, Man City và 5 CLB khác tại Ngoại hạng Anh là Liverpool, Arsenal, Newcastle, Chelsea, Southampton tạo cơ hội làm Mascot miễn phí cho các em nhỏ tại địa phương.
Nhiều đội bóng khác tại giải Ngoại hạng và hạng Nhất của Anh đều đang "rao bán" những suất Mascot. Trong đó đắt đỏ nhất là các CLB West Ham, Aston Villa, Norwich, Nottingham Forrest với mức giá 500 bảng/trận.
2 CLB thủ đô London là Tottenham và Crystal Palace lần lượt đưa ra các mức giá 485 bảng và 375 bảng. Một vài CLB khác tại Premier League như Leicester có giá 355 bảng, hay Bournemouth (235 bảng). Brighton có giá 250 bảng cho cầu thủ bình thường, riêng suất nắm tay thủ quân được "bán" với giá 350 bảng. Tại West Ham, để được nắm tay cầu thủ đội trưởng, cha mẹ các em nhỏ phải trả số tiền lên tới 700 bảng!
Ngoài ra, cũng có 1 số đội bóng kết hợp hình thức đang dần trở thành kinh doanh này với công tác từ thiện. Điển hình là Burnley. Đội bóng này chỉ "bán" 4 suất với giá 310 bảng, các suất còn lại có giá 40 bảng. Số tiền này được đội chủ sân Turf Moor sử dụng cho các quỹ từ thiện và hoạt động công tác xã hội.
Dù cũng có số ít kết hợp hình thức này với các hoạt động từ thiện hoặc công tác xã hội như Burnley, nhưng tựu chung lại, việc thu tiền để được ra sân cùng các ngôi sao là một động thái làm xấu đi những hình ảnh trong sáng, ý nghĩa nhất. Hành động này đã được đưa vào báo cáo và sẽ được Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của vương quốc Anh xem xét trong thời gian tới.
>> CHÍNH THỨC: Man City vs West Ham ấn định ngày đá lại
>> Thực hư về vòng đấu khác lạ tại Ngoại hạng Anh