Kể từ năm 2020, việc học và thi bằng lái xe ô tô sẽ được siết chặt, mức học phí có thể tăng mạnh, số câu hỏi tăng lên 600 câu.
Từ năm 2020, khi một số nội dung của Thông tư 38/2019/TT-BGTVT có hiệu lực sẽ siết chặt hơn quy trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô, khiến phát sinh thêm nội dung đào tạo, cơ sở vật chất để theo dõi học và thi. Cụ thể như sau:
- Từ 01/01/2020, chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2 và hạng C sẽ có thêm nội dung học về Phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông;
- Đồng thời, sẽ lắp camera IP, có độ phân giải HD trở lên tại phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch lái xe để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải;
- Từ 01/05/2020, các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1)…
Từ ngày 1/6/2020 với mỗi Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có một mã QR riêng để cơ quan chức năng có thể nhận biết được cơ sở, trung tâm cấp bằng để tránh tình trạng mua và làm bằng lái xe giả.
Với hệ thống câu hỏi lý thuyết, số lượng câu hỏi tăng từ 450 câu lên 600 câu trong đó có 100 câu điểm liệt mà học viên cần lưu ý. Chỉ cần trả lời sai 1 câu hỏi thuộc số câu điểm liệt thí sinh sẽ bị trượt.
Về phần thực hành, trên các xe đều được lắp thiết bị giám sát thời gian, hành trình để quản lý và theo dõi học viên trong suốt quá trình sát hạch.
Việc đào tạo và sát hạch bằng lái xe thông qua thiết bị mô phỏng 3D dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2021. Thời gian học trên thiết bị mô phỏng dự kiến là 3 giờ. Sau khi hoàn thành khóa tập lái trên sân và trước khi tập lái trên đường.
Thi sát hạch gồm 4 phần thi lần lượt là: thi lý thuyết, thi thiết bị mô phỏng, thi sa hình và thi lái xe đường trường.
Như vậy, nếu không vượt qua bài thi trên thiết bị mô phỏng, bạn sẽ không được tham gia thi sát hạch trên ô tô.
Học phí thi bằng lái ô tô tănh tới 30 triệu đồng?
Hiện nay, việc quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT.
Thông tư này quy định rõ:
Căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên do Bộ Giao thông vận tải ban hành và định mức về tiêu hao nhiên liệu do cơ sở đào tạo lái xe ban hành; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần…
Như vậy, học phí học lái xe ô tô do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới xây dựng và quyết định dựa trên nhiều yếu tố. Nhà nước không can thiệp hay quy định mức học phí này mà chỉ theo dõi dựa trên báo cáo của cơ sở đào tạo lái xe.
Các cơ sở đào tạo tự ban hành mức học phí, tự chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị mình. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra.
Nếu cơ sở đào tạo ban hành mức thu và thực hiện thu học phí không đúng thì mới bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, thông tin học phí học lái xe 2020 lên đến 30 triệu là không có cơ sở. Vì thế, hãy lựa chọn một cơ sở đào tạo lái xe uy tín, có mức học phí phù hợp để học và thi lấy bằng lái xe ô tô.
tổng hợp
>>Xem thêm: Từ năm 2020, lỗi xe không chính chủ sẽ bị phạt gấp đôi