Thể Thao 247 - Nữ tài xế lái ô tô BMW gây tai nạn liên hoàn ở Sài Gòn khiến 1 người chết, nhiều người bị thương có thể bị phạt tới 10 năm tù.
Như thethao247 đã đưa tin, vào khoảng 23h đêm qua một chiếc ô tô hiệu BMW do bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi) điều khiển đã gây tai nạn liên hoàn khiến nhiều người thương vong. Theo thông tin từ CSGT, kết quả nồng độ cồn trong hơi thở bà Nga sau tai nạn là 0,94 miligam/1 lít khí thở.
Trao đổi về vụ việc trên, Luật sư Trịnh Xuân Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, nếu kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của bà Nga sau khi gây tai nạn là 0,94 miligam/1 lít khí thở thì mức phạt hành chính sẽ lên tới 18 triệu đồng và bị tước Giấy phép lái xe tới 6 tháng. Bởi theo Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức phạt sẽ được quy định như sau:
- Phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về nồng độ cồn. Và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng. (Trường hợp của bà Nga đã có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở).
Cũng theo Luật sư Cường, về trách nhiệm dân sự đối với hành vi sử dụng rượu bia gây thiệt hại cho người khác được quy định rõ tại Điều 596 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra.
Theo đó, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Về trách nhiệm hình sự, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp của bà Nga có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự (bị phạt tù từ 3 - 10 năm).