Nhiều tài xế hiện nay thường sử dụng cách bỏ lại phương tiện hoặc cố tình không thổi nồng độ cồn để tránh bị phạt, liệu đây có phải hành động khôn ngoan?
Nghị định 100/2019/NĐ-CP là văn bản thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Điểm cần lưu ý trong Nghị định mới này chính là việc tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh), Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ về việc chủ phương tiện phải có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi được yêu cầu kiểm tra lỗi vi phạm.
Trường hợp chủ phương tiện không chấp hành việc kiểm tra, không chứng minh hoặc giải trình được lỗi vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định đối với lỗi phát hiện.
Đặc biệt, trong trường hợp tài xế không chịu hợp tác thổi vào máy đo, dù chưa cần biết nồng độ cồn trong hơi thở là bao nhiêu, thì vẫn bị xử phạt ở khung cao nhất của hành vi vi phạm này.
>>Xem thêm: Từ năm 2020, lỗi xe không chính chủ sẽ bị phạt gấp đôi