Tờ Sina đã có một bài phân tích dài về thành công của bóng đá Việt Nam và sự yếu kém của nền bóng đá Trung Quốc sau trận giao hữu giữa đội U22 của hai nước vừa qua.
Sau trận thua U22 Việt Nam ở Vũ Hán, báo chí Trung Quốc tỏ ra vô cùng thất vọng về màn trình diễn nghèo nàn của đội nhà. Tờ Sina viết trong bài bình luận rằng "NHM bóng đá nước nhà đang tỏ ra rất chán nản".
Đồng thời tờ này cũng đánh giá cao thành công của bóng đá Việt Nam và trình bày nguyên nhân dẫn đến những thành tích tốt thời gian gần đây.
"Những người yêu bóng đá Trung Quốc không còn ngạc nhiên về sự trỗi dậy của bóng đá Việt Nam thời gian qua. Đầu năm 2018, họ giành ngôi Á quân U23 châu Á tại Thường Châu. Tại Asian Cup, họ là một trong 8 đội mạnh nhất. Hồi đầu năm nay, đội U18 cũng thất bại trước họ.
Con đường dẫn đến thành công của bóng đá Việt Nam không có gì bí mật cả, nó xuất phát nhờ sự hợp tác đào tạo trẻ với Pháp và CLB Arsenal, sau đó bổ nhiệm HLV Park Hang Seo dẫn dắt. Nhưng điều quan trọng nhất chính là sự đồng lòng của cả một dân tộc."
Tác giả bài viết đã chỉ ra chính xác yếu tố làm nên thành công của bóng đá Việt Nam. Chưa thể khẳng định bầu Đức là người có công lớn nhất nhưng ông là người đầu tiên thành lập học viện đào tạo trẻ tại Việt Nam, từ đó mở ra phong trào đào tạo trẻ rộng khắp cả nước.
Chính những cầu thủ ưu tú nhất của khóa I học viện là Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh đã đem về thành công cho U23 Việt Nam và ĐTQG ở các giải đấu gần đây. Bầu Đức cũng là người góp phần tiếng nói mang về HLV Park Hang Seo và trả lương cho ông.
Không chỉ là công tác đào tạo trẻ, tờ Sina còn phân tích về sự phổ biến của bóng đá trong đời sống nhân dân.
"Những người từng đến Việt Nam đã mô tả họ ấn tượng nhất với hình ảnh những đứa trẻ chơi bóng trên đường phố, còn chúng ta thì sao? Vài ngày trước trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh người đàn ông đá vào một cậu bé đang chơi bóng ở khu công cộng.
Nếu bóng đá không thích hợp ở những nơi công cộng có nhiều người thì những đứa trẻ nên chơi ở đâu? Trước tư tưởng như thế thì còn đứa bé nào dám cầm trái bóng ra khỏi nhà nữa chứ?"
Tờ này nêu ra sự khác biệt giữa bóng đá và bóng rổ của Trung Quốc. Dù ĐT bóng rổ mới thất bại ở giải thế giới nhưng môn thể thao này có độ phổ biến cao hơn nên có nền tảng tốt hơn bóng đá.
VIDEO: U22 Việt Nam phối hợp tiki-taka trước khi ghi bàn vào lưới U22 Trung Quốc. Nguồn: Next Sports