Thể Thao 247 - Trải qua mười vòng đấu đầu tiên của giải vô địch quốc gia, những CLB có mùa chuyển nhượng rầm rộ nhất lại là đội bóng có kết quả nghèo nàn nhất.
Highlights: Thanh Hóa 0-1 HAGL (Vòng 10 V-League 2018)
Có tiền nhưng chưa biết tiêu?
Ở giai đoạn chuẩn bị cho mùa bóng mới, TP.HCM và Thanh Hóa là hai cái tên quen thuộc nhất trên các mặt báo. Sau khi để tuột mất chức vô địch một cách đầy tiếc nuối ở mùa trước, ban lãnh đạo FLC Thanh Hóa quyết tâm lấy lại những gì “đáng ra đã thuộc về mình” bằng cách chi thật nhiều tiền. Một loạt những cái tên chất lượng lần lượt được đưa về như Minh Tuấn, Minh Tùng, Văn Nam, Văn Hiếu hay Bửu Ngọc. Tham vọng của họ không gì khác ngoài ngôi vị vô địch. Còn đối với TP.HCM, sau những mùa giải với kết quả “tạm chấp nhận được”, đội chủ sân Thống Nhất cũng bắt đầu hướng đến một vị trí cao hơn. Hai bản hợp đồng đáng chú ý nhất được đưa về là trung vệ Vũ Ngọc Thịnh và “Ronaldo Việt Nam” Trần Phi Sơn. Đó là còn chưa kể đến cái tên được cho là sáng nhất khi ấy, HLV Miura.
Hai đội bóng với túi tiền rủng rỉnh và tham vọng lớn nhưng những đồng tiền họ bỏ ra đều chưa thu lại kết quả. Hai ông thầy ngoại của CLB xứ Thanh đều đã phải khăn gói ra đi với chung một lý do: không thể ổn định phòng thay đồ. Có vẻ BLĐ chưa lường trước được chuyện họ sẽ cần người thuyền trưởng có cái uy để khắc chế được những “ông sao” trong một tập thể đắt giá.
Còn với TP.HCM, HLV Miura và các học trò đang thực sự chìm trong khủng hoảng. Đã 5 trận trôi qua, họ vẫn chưa biết đến mùi chiến thắng. Xếp thứ tư từ dưới lên với vỏn vẹn 10 điểm sau 10 vòng đấu, có vẻ triết lý bóng đá của ông thầy người Nhật không thể phù hợp với môi trường bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ liên tục gặp chấn thương và chưa khi nào Miura có trong tay một đội hình ưng ý. Dù luôn nói rằng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ tân chủ tịch Hữu Thắng, nhưng nếu không nhanh chóng đạt được những kết quả khả quan, một lần thất bại nữa với bóng đá Việt Nam đang chờ đợi ông thầy người Nhật ở phía trước.
Khi niềm tin được đặt đúng chỗ
Nhìn vào vị trí của vị trí của Bình Dương và HAGL trên BXH có thể thấy một điều rằng, trong chiến lược phát triển lâu dài của một đội bóng, niềm tin vào các cầu thủ trẻ đều được đền đáp xứng đáng. Trong quá khứ, Becamex Bình Dương luôn giữ vị thế là một đại gia của bóng đá Việt. Gần như mùa nào “Chelsea Việt Nam” cũng gây chú ý với những bản hợp đồng bom tấn mà đáng nói nhất chính là Lê Công Vinh. Số tiền chuyển nhượng chính xác không được người trong cuộc tiết lộ, nhưng riêng tiền lót tay cho tiền đạo xuất sắc nhất Việt Nam khi ấy đã lên tới 5 tỷ đồng. Bước vào mùa bóng năm nay, Bình Dương hoàn toàn “im ắng” trên TTCN. Nhưng qua cách tiền đạo trẻ Tiến Linh, người đã bỏ lỡ giải U23 hồi đầu vì chấn thương, một mình ghi 4 bàn để vùi dập đội khách Sài Gòn, ta nhận ra rằng sự “im ắng” đó là hoàn toàn có cơ sở.
Với HAGL, phát triển cầu thủ trẻ luôn là điều kiện tiên quyết trong hướng đi của CLB. Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn của đội hình U19 năm nào nay đã trở thành nòng cốt của đội bóng chủ sân Pleiku. Cũng phải nói rằng, sau nhiều mùa giải bết bát, BLĐ cũng đã có những động thái nhằm thay đổi tư duy chơi bóng cho các cầu thủ. Và các cầu thủ trẻ đã chứng minh rằng, dù trẻ về tuổi đời (HAGL có độ tuổi trung bình trẻ nhất V-League) nhưng trên sân, họ có thể trở nên già dặn không thua kém bất kỳ ai.
Tình thế buộc những cầu thủ trẻ phải trưởng thành để tồn tại trong môi trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt. Dĩ nhiên, mùa giải vẫn còn dài và còn nhiều thử thách khó khăn hơn ở trước mắt, nhưng vị trí trong top 4 và sự ổn định đáng khích lệ như hiện tại chính là những thành quả đầu tiên của một niềm tin được đặt đúng chỗ. Liệu kết quả tích cực của HAGL và Bình Dương có thể khích lệ các CLB khác mạnh dạn hơn trong việc sử dụng cầu thủ trẻ ở giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam?