Thể Thao 247 - Chức vô địch sớm trước 5 vòng đấu của Hà Nội có công rất lớn của các cầu thủ trẻ do chính CLB đào tạo. Trong khi ấy nhìn sang HAGL, thành tích mà họ giành được lại không hề tương xứng với danh tiếng của lò đào tạo mà người dân cao nguyên luôn tự hào.
HAGL và Hà Nội có thể coi như hai đội bóng đại diện cho hai thế lực của bóng đá Việt Nam trong quá khứ và ở hiện tại. Đầu những năm 2000 có thể coi là thời kỳ hoàng kim của HAGL khi họ làm mưa làm gió ở V-League với những ngoại binh người Thái như Kiatisak hay Dusit. Còn với Hà Nội, phải mãi đến năm 2010 và quãng thời gian sau này, khi bóng đá Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn bóng đá kim tiền, đội bóng thủ đô mới bắt đầu xuất hiện như một đại gia đích thực.
>>> Kỷ lục vô tiền khoáng hậu của CLB Hà Nội
>>> "Quang Hải không nên đi theo con đường của HAGL"
Nếu 2010 và 2013, CLB Hà Nội lên ngôi vô địch với dấu ấn đậm nét đến từ các ngoại binh "hàng khủng" như Samson, Cristiano hay Gonzalo, thì với thành công mùa giải này, HLV Chu Đình Nghiêm hoàn toàn có thể tự hào về lứa cầu thủ trẻ mà CLB đã đầu tư phát triển. Những Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng hay Đức Huy đều là "của nhà trồng được" và đã góp công không nhỏ vào chức vô địch của đội chủ sân Hàng Đẫy.
Ở mùa giải 2018, Quang Hải vẫn là ngôi sao sáng trên hàng công khi góp dấu giày vào 14 bàn thắng của CLB Hà Nội, trong đó có 9 bàn thắng và 5 đường kiến tạo. Duy Mạnh và Đình Trọng là cặp bài trùng không thể thay thế ở hàng phòng ngự, trong khi Văn Hậu vẫn luôn là một trong những tài năng xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam ở hành lang cánh. Đó là chưa kể tới những cái tên như Đức Huy, Văn Đại, Văn Công,... Có thể nói, CLB Hà Nội đang bắt đầu được nếm "trái ngọt" sau nhiều năm bỏ công sức vun đắp cho những tài năng trẻ.
Nhìn sang HAGL, thành tích mà họ giành được lại không hề tương xứng với danh tiếng của lò đào tạo mà người dân cao nguyên luôn tự hào. Đã từ lâu, vị thế ông lớn của bóng đá Việt Nam đã không còn được đội chủ sân Pleiku duy trì. Thậm chí, trong 3 mùa giải liên tiếp (2015-2017), họ không thể thoát ra khỏi nhóm 5 đội cuối bảng. V-League 2018 có thể coi là một mùa giải tiến bộ khi thầy trò HLV Dương Minh Ninh đang xếp ở vị trí thứ 7, dù giải vẫn còn 5 vòng nữa mới kết thúc.
Sự khác biệt về mức độ thành công và danh hiệu mà lứa cầu thủ trẻ của hai CLB đạt được có thể lý giải qua hai lý do. Thứ nhất, chính sách chuyển nhượng và sử dụng ngoại binh của Hà Nội đúng đắn và hiệu quả hơn rất nhiều so với HAGL. Họ sở hữu một Moses có khả năng một mình "cân" tuyến giữa, và đặc biệt là bộ đôi sát thủ Oseni và Samson. Oseni đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới với 14 bàn thắng, còn Samson dù chỉ thi đấu bắt đầu từ giai đoạn hai nhưng cũng đã có cho mình 12 pha lập công.
Còn với HAGL, cú hatrick mà Rimario ghi vào lưới của Rmah Sươ chính là hình ảnh tiêu biểu nhất cho sự "kén ngoại binh" của đội bóng Phố Núi. Rimario tịt ngòi trong 800 phút chơi cho HAGL, nhưng khi chuyển tới Thanh Hóa, anh chỉ cần vỏn vẹn 61 phút để 3 lần sút tung lưới đội bóng cũ.
Lý do thứ hai, và cũng quan trọng hơn cả, đó chính là sự kế thừa giữa các thế hệ cầu thủ của CLB Hà Nội. Trong đội hình của HLV Chu Đình Nghiêm, vai trò của những người đàn anh như Thành Lương, Văn Quyết luôn cực kỳ quan trọng. Đây chính là sự khác biệt, và cũng là chìa khóa thành công ở hiện tại và tương lai của đội bóng thủ đô. Thế hệ cầu thủ trẻ như Quang Hải, Đức Huy, Văn Hậu,... lúc nào cũng nhận được sự dìu dắt, chỉ bảo của thế hệ đi trước. Họ chịu sự ảnh hưởng, quan sát và học tập theo những anh lớn trong đội, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Còn nhớ tiền vệ Hùng Dũng từng chia sẻ về vai trò thủ lĩnh của đội trưởng Văn Quyết:
"Năm đầu tiên, chẳng ai biết các em là ai. Nhưng năm thứ hai, họ sẽ đề phòng đặc biệt. Họ sẽ biết thằng Dũng rê bóng vào đâu, bắt bài cậu Hải xử lý thế nào hay Đình Trọng có điểm yếu phòng ngự ra sao. Chúng ta luôn phải nhìn vào năm đầu tiên để đặt câu hỏi rằng mình sẽ phải thay đổi thế nào trong năm thứ hai. Bởi năm thứ hai luôn là năm khó khăn nhất trong đời cầu thủ”.
Xét về tài năng, phải khẳng định rằng việc đặt các cầu thủ trẻ của Hà Nội và HAGL lên bàn cân là rất khó. Không ai có thể quên được cảm giác hào hứng mà lứa U19 HAGL cùng với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... đã mang lại những năm trước đây. Tuy nhiên, việc tin tưởng hoàn toàn vào các cầu thủ trẻ quá sớm cũng một phần là do chính sách của BLĐ đội bóng.
Xét cho cùng, bóng đá hay bất cứ trò chơi nào khác cũng cần phải có danh hiệu để khẳng định mình. Nhìn vào chức vô địch mà Quang Hải đang được tận hưởng, liệu Công Phượng và những đồng đội cùng lứa với anh có thấy "thèm"? Có lẽ có. Nhưng họ sẽ "thèm" có những người đàn anh trong đội nhiều hơn. Họ "thèm" có người đủ chuyên môn và kinh nghiệm trận mạc để được dìu dắt qua những giai đoạn khó khăn.