Quảng cáo

5 điều khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng

Author Thethao247.vn Lê Nhung - 08:00 06/04/2018 GMT+7
Khi cống hiến hết sức mình cho công việc thì bất kì nhân viên nào cũng mong muốn nhận được cái nhìn cảm kích từ cấp trên, bởi sự trân trọng sẽ khiến cấp dưới làm việc hăng say, sáng tạo và sẵn sàng “sống chết” vì công ty. Tuy nhiên, làm thế nào để thể hiện sự tôn trọng giá trị của nhân viên một cách hợp lý là điều không đơn giản, vì nếu thiếu tinh tế thì sẽ tạo ra sự thiên vị, gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ngược lại sẽ khiến người nhận “lờn” vì thịnh tình quá mức.

Với bài viết này, CareerLink sẽ đưa ra 5 gợi ý giúp bạn có thể khiến nhân viên biết rằng mọi đóng góp của họ luôn được ghi nhận một cách hợp lý.

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

1. Khiến nhân viên thấy khả năng được nhiều người công nhận

Đừng nghĩ rằng nhân viên chỉ cần cái nhìn xác đáng của cấp trên theo kiểu “chỉ cần sếp hiểu”. Điều này là nhân tố cần chứ không phải đủ và tốt nhất là bạn phải cho nhân viên thấy đóng góp của họ được ghi nhận bởi hầu hết mọi người cả trong lẫn ngoài công ty.

Cụ thể, bạn nên dành chút thời gian trong cuộc họp hàng tuần để tuyên dương thành tích của nhân viên giỏi trước các bạn đồng nghiệp hoặc các quản lý cấp cao khác. Ngoài ra, bạn có thể tạo một hòm thư góp ý điện tử để các nhân viên có thể nhận các phản hồi tích cực trực tiếp từ khách hàng. Nhờ sự động viên công khai thế này, nhân viên sẽ cảm thấy tự hào hơn cũng như thấy thỏa đáng về công sức đã bỏ ra.

2. Đặt niềm tin vào nhân viên thông qua nhiệm vụ mang tính thách thức

Hầu hết các nhân viên đều mong muốn nhận được các nhiệm vụ thử thách từ cấp trên, bởi việc giao phó này thể hiện sự tín nhiệm và cũng là một cơ hội để cấp dưới thể hiện khả năng nhằm “ghi điểm” trong công việc.

Tuy nhiên bạn cần phải “cân đo” kỹ trước khi phó thác một nhiệm vụ khó cho ai, đặc biệt là các nhân viên còn “non” kinh nghiệm. Bạn nên cho phép nhân viên có thể tùy chọn nhiệm vụ, chủ động trao đổi với các cấp trên về ý tưởng cá nhân hoặc trao thêm quyền hạn để hoàn thành công việc một cách thoải mái. Nhưng hơn hết bạn đừng bỏ lơ mà hãy quan sát và can thiệp nhằm tránh sự việc vào “thế đã rồi”.

3. Tăng lương hay nâng cao phúc lợi

Có lẽ, trong các ưu đãi thiết thực để “ghi dấu” công sức thì hình thức tăng lương là phương án hữu hiệu hơn cả. Bởi lương là hệ quy chiếu phản ánh năng lực, trình độ và mức độ cống hiến của một người. Tuy nhiên, việc tăng lương nên được cân nhắc kĩ lưỡng để có con số hợp lý và cũng nên dựa trên các yếu tố khách quan.

Ngoài ra, nâng cao phúc lợi bằng cách tặng nhân viên các suất học nâng cao về chuyên môn hay kỹ năng hoặc cho phép họ có khoảng thời gian làm việc tại nhà cũng là gợi ý nên xem xét.

4. Cụ thể hóa sự tôn trọng bằng phần thưởng

Bên cạnh các lời khen tinh thần, nhân viên sẽ cảm kích hơn nữa nếu được nhận từ cấp trên các phần thưởng đặc biệt vì công sức đóng góp. Các món quà ngoài mong đợi như thế này sẽ là một “liều doping” tinh thần đúng nghĩa cho cấp dưới.

Thực tế, bạn cũng không cần phải quá cầu kì hoặc tốn kém, mà chỉ đơn giản là tặng nhân viên ngày nghỉ hoặc cho phép ra về sớm hơn thường ngày. Nếu thêm nữa thì có thể là các buổi ăn trưa, một món quà nho nhỏ, lưu giữ hình ảnh nhân viên trong tập san lưu niệm nội bộ.

5. Thường xuyên ghi nhận đóng góp của nhân viên

Thật ra bạn hoàn toàn có thể tạo những sự khích lệ nho nhỏ cho nhân viên mỗi ngày, chứ không cần đợi khi cấp dưới hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Điều này sẽ giúp họ giữ được “lửa” và hăng hái hơn trong công việc. Thêm nữa, không phải ai cũng vui vẻ khi phải đợi ngót ngét cả năm để nhận lời khen trong buổi tiệc tổng kết.

Do vậy, bạn hãy luôn cố gắng thể hiện sự ghi nhận công sức của nhân viên thường xuyên hơn. Bên cạnh các cuộc họp chính quy thì những buổi tiệc nhỏ “ngoài lề” cũng là khoảng thời gian để nói những lời “có cánh” vui vẻ. Hoặc chỉ đơn giản là nói “cám ơn” trước mỗi hành động thiết thực của cấp dưới, và gửi một lá “tâm thư” viết tay khi cần thiết.