Bóng đá Việt Nam đang vươn mình trở thành nền bóng đá nhất nhì Đông Nam Á, nhưng bên cạnh đó vẫn có những vấn nạn gây nhức nhối đó là bạo lực. Điều đáng sợ hơn, căn bệnh này đang lây lan sâu rộng kể cả ở lứa trẻ.
Những pha vào bóng kinh hoàng của cầu thủ U15 SLNA vs U15 Viettel
Lò đào tạo SLNA, nơi ươm mầm tài năng
Có lẽ những người yêu bóng đá Việt Nam sẽ không ai có thể phủ nhận những đóng góp của các cầu thủ xứ Nghệ cho bóng đá nước nhà. Nếu có một tâm hồn bay bổng người ta có thể dễ dàng liên tưởng đến La Masia, lò đào tạo trứ danh của Barcelona. Tại sao lại so sánh vậy, bởi cũng như La Masia, lò SLNA có lực lượng cầu thủ hùng mạnh ở hầu khắp các CLB từ Bắc chí Nam. Đối với bóng đá quốc tế, những fan hâm mộ của ĐTVN có lẽ sẽ phải nổi da gà khi nhớ lại các bàn thắng lịch sử của những người con xứ Nghệ. Những Hữu Thắng, Thanh Tuấn, của thập niên 90, hay ba anh em Văn Sỹ của những năm cuối thế kỷ 20, là nguồn cảm hứng dồi dào cho các HLV ngoại.
Lứa cầu thủ mang lại nhiều cảm xúc nhất cho người hâm mộ BĐVN chính là lứa Văn Quyến, Công Vinh. Dân Nghệ An có câu: Quyến bẩm sinh, Vinh khổ luyện. Cánh nhà báo tốn không biết bao nhiêu giấy mực, để so sánh về 2 anh. Đặt người này lên, hạ người kia xuống. Cho đến bây giờ, người ta vẫn không khỏi khâm phục trước tài năng và nỗ lực của cả 2 anh. Sau thời đại này, người ta chứng kiến những Trọng Hoàng, Đình Đồng, Quế Ngọc Hải, … Lần lượt làm rạng danh bóng đá xứ Nghệ.
Người ta bảo dân Nghệ An thì nói ít làm nhiều, quyết liệt nhưng bộp chộp, thẳng tính nhưng vụng về. Nhưng cũng vì lẽ đó mà người ta vừa yêu vừa giận bóng đá xứ Nghệ.
Bạo lực sân cỏ: Cha chung không ai khóc
Nêu ra những tài năng trên đây, không phải để tán dương, hay ca tụng, mà là để chúng ta cùng nhìn nhận một cách khách quan về bóng đá trong nước và công tác đào tạo trẻ. Tại giải U15 Quốc Gia vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một U15 SLNA thi đấu máu lửa, quyết tâm, các em đã xây những viên gạch vững chắc đầu tiên cho sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của mình. Màn trình diễn không chê vào đâu được của các em đã giúp U15 SLNA lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây vào được bán kết. Lối chơi tự tin, chắc chuyên môn của các em khiến các fan bóng đá xứ Nghệ mơ về chức vô địch V-league trong tương lai gần. Không ít cầu thủ đang thi đấu trong ĐTQG và U22VN tham gia SEAGAMES 29 cũng xuất thân từ đội U15 SLNA.
Mặt khác, chúng ta phải chân thật, trận bán kết với U15 Viettel, các em đã chơi một thứ bóng đá “xấu xí”. Nói như vậy, không có nghĩa các em có một tâm địa không tốt, mà chỉ đơn thuần, bóng đá VN quan trọng phát triển kỹ năng, hơn là thái độ thi đấu.Các em còn ở tuổi 14,15 rõ ràng khó có thể quy kết các em về những hành vi “thiếu chuyên nghiệp” này. Trách làm sao được, khi chính đàn anh của các em tại SLNA, cũng đã từng mắc những sai lầm, khiến các đồng nghiệp, hay thậm chí đồng đội cũ phải nghỉ chơi dài dài vì những pha bóng “triệt hạ”.
Làm sao ư, uốn nắn, hay cương quyết. Phạt nặng các em thì được gì, tương lai bóng đá VN trong tay các em. Giấc mơ vàng SEAGAMES 32, 33 nằm trong tay các em. Phạt sao được, các em cũng là em của chính chúng tôi những người làm báo, những người yêu bóng đá Việt Nam đến tột cùng, đi cùng đội tuyển ngay cả những quãng thời gian đen tối nhất. Phải, chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm về mình. Còn các em, ở tuổi đang muốn chứng tỏ bản thân mình, đang muốn “lớn” thật nhanh. Chúng tôi không trách được các em, lỗi không ở các em.
Có lẽ lỗi một phần ở công tác đào tạo trẻ ở VN còn nhiều bất cập. Bất cập cũng bởi thiếu thốn đủ mặt, thiếu đường lối, làm rải rác, thiếu kinh phí, thiếu đào tạo bài bản. Và một trong những cái thiếu ấy chính là cơ sở vật chất. Lò đào tạo bóng đá Hải Phòng, được lập nên hơn 10 năm nay. Vậy mà đội trẻ vẫn phải đi giày bata, đá trên sân cát. Đó là lý do mà bóng đá trẻ Hải Phòng những mùa giải gần đây không thực sự khởi sắc. Ngó sang người hang xóm Thái Lan, chúng ta thấy cả một sự đầu tư rất kỹ lưỡng và sâu sắc. Họ hướng tới 1 tuyển Thái Lan “Chân, Thiện, Mỹ”. Song song với học văn hóa, các cầu thủ nhí còn được tìm hiểu về giá trị cuộc sống, cách giành chiến thắng, và cách để chấp nhận thất bại. "Tất cả các cầu thủ đều muốn chiến thắng, tuy nhiên, đôi lúc phải nhận thất bại. Khi thắng, đó luôn là nỗ lực của toàn đội và tinh thần quả cảm. Bài học vô giá đó là điều các cầu thủ phải tiếp thu và phát triển trong tương lai," ông Geoff Potter, chủ tịch hội đồng quản trị trường Ascot International, một trong những lò đào tạo trẻ số 1 Thái Lan đã nói như thế.
Chống lại bạo lực thể thao, không phải là nói suông
Tiện có vụ lùm xùm ở một CLB đang thi đấu giải V-league, chúng ta phải nhìn nhận lại cách một đội bóng đối xử với ngoại binh. Điều đó rất có thể sẽ khiến cho người hâm mộ hiểu nhầm rằng đó là “ngôn ngữ chung” của bóng đá Việt Nam, là “vắt chanh bỏ vỏ”. Khi ký hợp đồng với một cầu thủ, để huấn luyện, đào tạo, thi đấu. Chúng ta phải có “Quyền và cả Nghĩa vụ” đối với họ. Quyền được sử dụng toàn bộ tài năng của họ, phục vụ cho đội bóng, quyền tận dụng hình ảnh cá nhân của họ. Nhưng bên cạnh đó, phải bảo vệ họ, và phải cho họ biết mình được bảo vệ, và nghĩa vụ cao cả nữa, đó là tạo hình ảnh đẹp cho bóng đá VN. Các em sau này cũng sẽ vào biên chế của các CLB V-league, xin hỏi ai sẽ đứng ra bảo vệ các em khi các em mắc sai lầm.
Các em rồi đây cũng sẽ lớn lên, trưởng thành và sẽ là đại diện của BĐVN ở đấu trường quốc tế. Hãy chấp nhận nếu chúng ta thua họ về kỹ năng chuyên môn, thể hình thể lực, vì chúng ta cần biết sai để sửa, yếu để tập luyện thêm. Nhưng đừng, đừng bao giờ, để thua họ về tính chuyên nghiệp, hay tinh thân thể thao fairplay. Liên đoàn thể thao Việt Nam đã gia nhập liên đoàn thể thao thế giới năm 1960, và đến ngày hôm nay slogan của Fifa vẫn chưa thay đổi “My game is fair play”. Fair play không phải là ngại va chạm, mà fair play là quyết liệt “đúng chỗ, đúng thời điểm”. Mục tiêu của chúng ta là đoạt BÓNG để đưa nó vào lưới đội bạn, một cách đúng luật và “fair”, chứ không phải là đoạt lấy “đôi chân”, hoặc cả tương lai của 1 ai đó. Nhiều cầu thủ trên thế giới, sau những pha chấn thương kinh hoàng, đã phải mãi mãi nói lời chia tay sân cỏ, hoặc không cũng đánh mất cả sự nghiệp.
Lời cuối gửi đến các cầu thủ trẻ, các em là tương lai bóng đá Việt, là hy vọng của chính chúng tôi, các em chơi “hay” chơi “dở”, thì người hâm mộ vẫn sẽ ở bên cạnh cổ vũ các em. Nhưng nếu các em chơi “xấu” liệu rằng niềm tin đó có còn ? Trên con đường còn nhiều chông gai phía trước, chúng ta cần bồi dưỡng thêm về tinh thần thi đấu chuyên nghiệp cho các lứa U. Đây không phải trách nhiệm của riêng ai, mà mỗi người làm nghề đều phải ý thức sâu sắc rằng: Chúng ta những người đi trước chính là tấm gương cho giới trẻ noi theo. Có câu “Gieo thói quen, gặt tính cách, gieo tính cách, gặt số phận”. Vì vậy hãy hành động có trách nhiệm. Để cùng chung tay xây dựng tương lai của một nền bóng đá sạch, đẹp, hấp dẫn.
Nguyên “thép”.