Thể Thao 247 - Hành vi cho người lớn, trẻ em đưa đầu hoặc tay ra khỏi cửa sổ trời có vi phạm pháp luật hay không? Có bị xử phạt hay không và xử phạt là bao nhiêu?
Cửa sổ trời ô tô (sun-roof) là một trong những tính năng tùy chọn được trang bị phổ biến trên ô tô trung và cao cấp hiện nay. Cửa sổ trời ô tô có nhiều công dụng giúp lưu thông gió, giảm nhiệt cho ô tô,… Tuy nhiên, cũng có không ít người tận dụng cửa sổ trời như một không gian để đứng hóng gió, hay thậm chí là cho trẻ nhỏ đứng thò đầu ra khỏi cửa sổ trời để nô đùa. Đây là một hành vi rất nguy hiểm nhưng vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các cung đường.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Hành vi trên có vi phạm pháp luật và Luật giao thông đường bộ hay không? Và nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Đưa đầu ra khỏi cửa sổ trời ô tô có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật giao thông đường bộ về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ có quy định:
“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Trên thực tế, pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt hay không xử phạt đối với hành vi này. Tuy nhiên, với việc đưa đầu ra khỏi cửa sổ trời ô tô, chủ xe vẫn vi phạm vào một số điều khoản khác của Luật giao thông đường bộ như sau:
- Vi phạm Khoản b Điều 68, Luật giao thông đường bộ về việc Vận tải hành khách bằng xe ô tô:
b) Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;
- Vi phạm Khoản 23 Điều 8 về an toàn giao thông trong Luật giao thông đường bộ
Điều 8: Các hành vi bị nghiêm cấm:
23. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Ngoài ra, còn bị xử phạt với hành vi không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Mức xử phạt chủ xe sẽ phải chịu là bao nhiêu?
Dưới đây là các mức phạt cho những hành vi nói trên, theo Điều 23, Nghị định 46/2016/NĐ- CP về giao thông đường bộ:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây (Điểm a Khoản 1 Điều 23)
a) Không hướng dẫn hành khách đứng, nằm, ngồi đúng vị trí quy định trong xe;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây (Điểm b Khoản 6 Điều 23)
b) Chở người trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý của xe;
Mức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây (Khoản 1, Điều 5)
k) Người điều khiển, người ngồi trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy;
l) Chở người ngồi trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.
Như vậy, tổng mức phạt phải chịu có thể lên tới trên 5 triệu đồng và Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Tác dụng thực tế của cửa sổ trời (sun-roof) là gì?
Dưới đây là 6 công dụng thực tế của cửa sổ trời ô tô do các nhà sản xuất đưa ra mà nhiều chủ xe thường bỏ qua hoặc ít chú ý tới:
1. Giải phóng khí độc hại trong xe
Sau một thời gian đóng kín cửa, không khí trong xe sẽ chứa nhiều chất hóa học độc hại như benzen, formaldehyde. Qua một đêm, sáng sớm việc đầu tiên khi lên xe nên mở cửa sổ trời để khí độc hại trong xe được đẩy ra ngoài.
2. Giảm tiếng gió
Trong quá trình xe chạy ở tốc độ cao, nếu mở cửa sổ ở hai bên, lái xe thường bị ảnh hưởng bởi tạp âm và tiếng gió mạnh, từ đó gây mất an toàn cho hành trình. Nếu lúc này mở cửa sổ trời và đóng cửa sổ hai bên, sẽ có tác dụng tốt giúp ngăn chặn được ảnh hưởng nói trên.
3. Giảm nhiệt độ trong xe
Dưới tác động của mặt trời khiến nhiệt độ trong xe tăng mạnh, có thể lên tới hơn 40 độ C. Thực tế chứng minh, muốn nhanh chóng làm giảm nhiệt độ trong xe một biện pháp hữu ích là mở cửa sổ trời và cùng lúc bật điều hòa sử dụng chế độ lấy khí bên ngoài.
Chờ đến khi không khí nóng được loại bỏ gần hết và điều hòa đã làm lạnh xe thì có thể đóng cửa sổ trời, điều chỉnh về chế độ tuần hoàn khí bên trong.
4. Ngăn khí thải xâm nhập vào trong xe
Khi bị tắc đường, tất cả các xe đang ở trạng thái dừng hoặc di chuyển rất chậm, do đó khí thải từ xe sẽ bao phủ không khí xung quanh. Lúc này, mở cửa sổ trời và đóng các cửa sổ bên cạnh, các khí thải trong xe sẽ nhanh chóng được đẩy ra ngoài; không khí bên ngoài sẽ được điều hòa lọc phần lớn khí độc hại sau đó mới đưa vào trong xe.
5. Loại bỏ hơi ẩm đọng trên kính
Mùa hè và mùa thu nước mưa nhiều, trong quá trình vận hành hơi nước trong xe không dễ tản ra, khiến xe bị ẩm, xuất hiện hơi nước trên mặt kính. Lúc này cách tốt nhất để loại bỏ hơi sương chính là sử dụng cửa sổ trời. Chỉ cần mở đến vị trí thông gió cánh hậu thì lập tức phát huy tác dụng đánh tan sương mù, hơn nữa cũng đảm bảo cho việc lái xe an toàn.
6. Lối thoát hiểm
Trong một số tình huống như tai nạn hoặc rơi xuống nước, ngoài các cánh cửa thông thường trên xe, cửa sổ trời cũng là một lối thoát hiểm có thể nghĩ đến; đặc biệt đối với người ngồi sau đôi khi bị kẹt bởi những hàng ghế phía trước.
Trong các công dụng mà nhà sản xuất đưa ra không hề bao gồm việc cho người đứng hóng gió khi xe đang chạy. Hành vi này luôn được khuyến cáo rằng không nên thực hiện, bởi nó không chỉ gây ra nguy hiểm cho chính người trên xe mà còn vi phạm một số quy định của Pháp luật.