Thể Thao 247 - Liên quan đến quy định của Bộ GTVT về việc xe tải nếu không có phù hiệu tải khi lăn bánh trên đường sẽ bị xử phạt từ 5-7 triệu đồng. TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là một điều bất hợp lý.
Sau khi đại diện một doanh nghiệp vận tải trình bày những khó khăn về điều kiện áp dụng đối với kinh doanh xe tải, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã tỏ ra không hài lòng với loại "giấy phép con" không cần thiết này.
Ông Cung cho rằng: "Quy định bắt xe tải phải có phù hiệu xe tải là bất hợp lý, xe tải muốn chạy phải đeo biển. Như vậy, tôi là người, ra đường tôi cũng phải đeo biển tôi là người?!".
"Cải cách nhằm xóa bỏ các điều kiện kinh doanh hay giấy phép con đã có nhưng nhiều chỗ vẫn còn sạn", TS Cung nói.
Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo Triển khai Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vừa được CIEM tổ chức mới đây ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết nói trên ngày 15/5/2018, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia chỉ ra nhiều hạn chế về việc thực hiện cải cách.
Theo chia sẻ của đại diện hộ gia đình có xe tải (đề nghị dấu tên): Từ khi Bộ GTVT quy định xe tải phải có phù hiệu tải khi lăn bánh trên đường, hộ gia đình có xe tải nhưng không phục vụ mục đích kinh doanh rất khó khăn.
"Xe tôi bị ngừng hoạt động kinh doanh 2 tháng vào đầu năm 2017 vì ra đường không có biển xe tải sẽ bị phạt mức giá 5 - 7 triệu đồng. Quá trình làm biển xe tải cũng khó khăn, nếu thuê dịch vụ bên ngoài mất số tiền 4,5 - 5 triệu đồng trong 1 tuần sẽ có, người dân tự đi làm phải đúng 2 tháng mới có phù hiệu xe tải", cá nhân có xe tải cho hay.
Vị này cho biết, "Quá trình đăng ký kinh doanh qua mạng, tôi chẳng hiểu lý do vì sao, làm đi làm lại không được dù làm đúng theo hướng dân. Ở Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đăng ký nói chúng tôi muốn nhanh thì phải "lên đây".
Theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh và Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, vận chuyển hàng hóa có tải trọng từ 3.5 – 10 tấn trở lên phải được Sở GTVT vận tải cấp phù hiệu “ Xe Tải” kể từ ngày 1/1/2016.
Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 3.5 -10 tấn trở lên phải có thiết bị giám sát hành trình xe và đến sở GTVT để được cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, đồng thời cấp phù hiệu “Xe tải” để gắn trước kính xe khi tham gia giao thông vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 10 tấn trở lên: trước ngày 1/1/2016. Đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 7 – 10 tấn: trước ngày 1/7/2016.
Đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 3,5 – 7 tấn: trước ngày 1/1/2017. Đối với ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ dưới 3,5 tấn: trước ngày 1/7/2018.
Đặc biệt kể từ ngày 1/1/2016, người điều khiển xe tải từ 10 tấn trở lên vận chuyển hàng hóa nếu phương tiện không gắn phù hiệu sẽ bị lập biên bản xử phạt hành chính từ 3 – 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 60 ngày.
Theo Dân trí