Thể Thao 247 - Theo chuyên gia Phạm Thành Chung, nếu theo đúng lộ trình thuế về 0% vào năm 2018 thì người tiêu dùng cũng không nên kỳ vọng giá xe nhập sẽ ngang bằng giá tại thị trường Thái Lan hay Indonesia do các hãng sản xuất cũng chính là người được độc quyền trong nhập khẩu xe vào Việt Nam.
Góp tham luận tại một hội thảo do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng nay (29/12), tác giả Phạm Thành Chung từ Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính đặt câu hỏi “ô tô giảm giá, nên buồn hay nên vui?”.
Theo ông Chung, nếu như theo đúng lộ trình thì trong thời gian tới, giá xe về tổng thể sẽ giảm. Một mặt giá xe ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm khi thuế quan giảm về 0% năm 2018.
Tuy nhiên, “người tiêu dùng cũng không nên kỳ vọng giá xe nhập sẽ ngang bằng giá tại thị trường Thái Lan hay Indonesia do các hãng sản xuất cũng chính là người được độc quyền trong nhập khẩu xe vào Việt Nam”, ông Chung nhận định.
Mặt khác, chịu áp lực cạnh tranh, giá xe của các hãng bám trụ sản xuất trong nước cũng phải giảm cho phù hợp. Tất nhiên, giá sẽ chỉ giảm chủ yếu ở các dòng xe dung tích xi lanh nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu. Với các dòng xe sang, xe dung tích xi lanh lớn thì hiện đã nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt, mức giảm chỉ đưa giá về mốc ban đầu.
Điểm lạc quan là xe nhập khẩu tràn vào thị trường trong nước cũng buộc các nhà sản xuất trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi mà người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn trước xe nhập khẩu và giá thành cạnh tranh, ngoài yếu tố giá, thì chất lượng chính là nhân tố quyết định sự thành công trên thị trường Việt Nam vốn trước đó đã quen mua xe với mức giá tương đối cao.
Như vậy, theo vị chuyên gia, nhìn chung người tiêu dùng Việt Nam là người được hưởng lợi. Tuy nhiên, trước áp lực về hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao tông đô thị thì các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô có thể sẽ bị áp dụng.
“Khả năng người được hưởng lợi nhiều hơn là những người tiêu dùng ở khu vực không bị hạn chế, dự kiến có thể có sự phân biệt giữa các đối tượng người sử dụng ở những địa bàn khác nhau”, theo ông Phạm Thành Chung.
Về phía nhà sản xuất, do thuế giảm nên việc lắp ráp xe bắt đầu mất lợi thế, sẽ có những mẫu xe chuyển sang nhập khẩu. Chẳng hạn Toyota Việt Nam đã quyết định sẽ chuyển sang nhập mẫu Fortuner về phân phối thay vì lắp ráp trong nước từ đầu năm tới. Một số doanh nghiệp cho biết, năm 2017 là bước đệm quan trọng để thăm dò thị trường với các sản phẩm mới nhập khẩu nguyên chiếc, chuẩn bị cho giai đoạn từ năm 2018 trở đi, khi thuế giảm sâu.
Hiện tại, hầu hết các thương hiệu ô tô phổ thông được người têu dùng Việt Nam ưa chuộng như Toyota, Ford hay Honda đều đã và đang được sản xuất, lắp ráp tại Thái Lan. Nếu như 3-5 năm trước, số mẫu xe được Toyota nhập khẩu rất ít là Land Cruiser, Prado, Yaris hay Hilux; Honda chỉ với Accord và mới đây nhất là Odysey…thì thời điểm này, danh mục xe nhập khẩu của các hãng xe lớn tại Việt Nam đã trở nên dày đặc và còn tiếp tục gia tăng.
Ngay cả với những mẫu xe đã từng làm mưa làm gió trên thị trường và hiện vẫn đang được ưa chuộng song vẫn được các liên doanh lớn quyết định chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc thay vì tiếp tục lắp ráp trong nước.
Ví dụ, mặc dù phải đến đầu năm 2017, Toyota mới mới chính thức tung Fortuner mới ra thị trường, nhưng đến lúc này, hàng loạt đại lý đã bắt đầu nhận đặt hàng với thông tin “nhập khẩu” từ Thái Lan. Hay Honda Civic, sau gần một thập kỷ lắp ráp trong nước, Honda cũng bất ngờ nhập khẩu Civic từ Thái Lan…
Theo ông Chung, suy cho cùng, các hãng xe đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng là vì mục tiêu lợi nhuận. Khi được hưởng nhiều ưu đãi, thị trường trong nước thu được nhiều lợi nhuận, họ sẽ ở lại. Còn khi quy mô thị trường nhỏ, phát triển sản xuất quy mô lớn không khả thi, các ưu đãi không còn… thì họ rời đi cũng là điều dễ hiểu và nên chấp nhận.
Nguồn: Dantri