Quảng cáo

Đâu là "thủ phạm" khiến giá xe ô tô vẫn cao tại Việt Nam?

Anh Mỹ Anh Mỹ
Thứ hai, 26/02/2018 15:34 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Trái với mong đợi của nhiều người, giá xe ô tô năm 2018 vẫn không hề giảm như kỳ vọng, nguyên nhân chính được cho là do Nghị định 116 khiến xe nhập gặp nhiều khó khăn. Vậy điều này liệu có phải là một sự tích cực đối với Việt Nam?

Nghị định 116 quy định các doanh nghiệp nhập xe vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài; thứ hai các lô hàng về phải kiểm tra theo quy định; thứ ba kiểm tra các kiểu loại về khí thải và an toàn giao thông theo quy định.

Cuộc “đại chiến” giữa các doanh nghiệp ô tô xung quanh Nghị định 116 đến nay vẫn chưa có hồi kết dù đã gần 4 tháng sau khi nghị định này có hiệu lực.

Các quy định này giống như “kết liễu” cho nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, biểu hiện rõ nhất là tình trạng khan hiếm xe trong thời điểm hiện tại cũng như việc giá xe nhập vẫn chưa giảm như kỳ vọng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì "hồ hởi" với nghị định này và còn kêu gọi siết chặt hơn nữa việc nhập khẩu ô tô bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng. Và trong khi kêu gọi đủ mọi ưu đãi theo xu hướng bảo hộ thì các DN ô tô trong nước lại né tránh sự thật rằng vấn đề không nằm ở ưu đãi chính sách mà nằm ở năng lực thực sự của họ.

Nếu các doanh nghiệp ô tô Việt Nam không nhìn thẳng vào sự thật và cứ kêu gọi sự "bao bọc" từ chính phủ thì những người thiệt thòi nhất sẽ là người tiêu dùng Việt Nam.

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô "tê liệt"

Trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) miệt mài kiến nghị Chính phủ nới lỏng các tiêu chuẩn của Nghị định 116 thì các “ông lớn” như Toyota, Honda mới đây nhất đã phát đi thông tin ngưng mọi hoạt động xuất xe sang Việt Nam do quy định mới về rào cản phi thuế quan của Nghị định 116.

Hai hãng xe của Nhật Bản cho rằng họ bị gặp khó trong việc đáp ứng yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu và quy định kiểm tra tất cả các lô xe thay vì chỉ kiểm tra lô đầu tiên như trước đây. Tại Mỹ, Nhật không phát hành các giấy chứng nhận kiểu này.

Chính phủ Indonesia cũng lên tiếng mạnh mẽ về Nghị định 116 bởi lượng xe từ nước này sang Việt Nam sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2018.

Tính đến 15/2/2018, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ chỉ là 32 chiếc với trị giá 1,1 triệu USD. Ngay trong tuần nghỉ tết Nguyên đán cũng chỉ có 1 chiếc ô tô dưới 9 chỗ được nhập khẩu. Đây là mức nhập khẩu ô tô thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu ô tô con (từ 9 chỗ ngồi trở xuống) về Việt Nam trong nửa đầu tháng 2 đạt 616.628 USD - hơn gấp đôi so với cùng kỳ tháng đầu năm và gấp 1,8 lần so với nửa tháng trước đó.

Chỉ có tổng cộng 14 chiếc ô tô con được nhập về trong nửa tháng trước Tết, giá trị trung bình mỗi chiếc khoảng 44.044 USD. Nửa đầu tháng 1, chỉ có đúng 6 chiếc được thông quan, giá trị trung bình đạt 47.118 USD. 15 ngày sau, có thêm 12 chiếc nữa về Việt Nam, tuy nhiên mỗi chiếc chỉ có giá trung bình 28.212 USD.

Được dự đoán tăng trưởng so với năm 2016 nhưng thị trường ô tô trong nước năm 2017 lại giảm 10%. Mức giảm này được cho rằng đến từ tâm lý chờ xe giá rẻ của người dùng trong năm 2018.

Thực tế lúc này, xe nhập khẩu từ các nước ASEAN với thuế 0% vẫn còn đang đứng trước những cánh cửa quá hẹp.

Trong khi đó để có thể đưa vào lắp ráp một mẫu xe tại Việt Nam, các nhà sản xuất phải chuẩn bị kế hoạch sản xuất trong thời gian khoảng 1 năm.

Người dùng lúc này lại đang mong muốn các nhà sản xuất có thêm nhiều mẫu xe mới đẹp hơn, nhiều tiện ích hơn và mức giá rẻ hơn.

Lí lẽ biện minh đòi "bảo hộ" của các DN ô tô Việt Nam

Một số ý kiến đòi ưu đãi cho các doanh nghiệp ô tô trong nước cho rằng: " Với đất nước 100 triệu dân không thể không phát triển công nghiệp ô tô. Xu hướng bảo hộ, lập hàng rào thuế quan và phi thuế quan đang bùng nổ trên toàn cầu. Ở bên kia bán cầu, Tổng thống Trump đang tự hào với những thành tích về tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ thấp 45 năm, 2,4 triệu việc làm mới được tạo ra, thị trường chứng khoán phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác… Đặc biệt trong ngành ô tô, ông Trump ủng hộ quyết định “hồi hương” của GM, Ford…để tạo ra việc làm cho người Mỹ".

Đây là một quan niệm hết sức phiến diện, câu hỏi đặt ra ở đây là Công nghiệp ô tô có phải chỉ là sản xuất và lắp ráp? Đây là cách suy nghĩ quá máy móc, vấn đề mấu chốt là chúng ta có đủ năng lực và công nghệ để sản xuất, lắp ráp với một chi phí nhỏ nhất để người tiêu dùng hưởng lợi? Nếu không thì chúng ta nên phát triển những mảng khác trong ngành công nghiệp ô tô thay vì lắp ráp, sản xuất.

Tiếp đó, việc dùng chính sách của chính phủ tổng thống Trump để biện minh lại là một sự phiến diện nữa. Về bề ngoài, có vẻ như ông Trump cũng đang có ý bảo hộ thương mại nhưng chúng ta nên đặt câu hỏi rằng: Quyết định này của ông Trump có ảnh hưởng xấu đến giá xe của Mỹ, khiến giá xe cao hơn hay cản trở sự giảm giá của các mẫu xe ?

Hơn nữa, chính phủ tổng thống Trump kêu gọi mọi doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ, chứ không chỉ kêu gọi doanh nghiệp nội địa "hồi hương", và đặc biệt không đưa ra chính sách nào đánh trực tiếp và ngành nhập khẩu ô tô của Mỹ.

Cũng cần phải lưu ý rằng một số chính sách của ông Trump cũng đang bị chỉ trích theo xu hướng bảo hộ mậu dịch. Hơn nữa Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Việt Nam thì chưa, nên tác dụng của cùng 1 kiểu chính sách không có gì đảm bảo sẽ có cùng hiệu quả.

Ngoài ra, một số ý kiến thì cho rằng: "Nếu các nhà đầu tư nước ngoài rút hết các cơ sở sản xuất tại Việt Nam do thuế nhập khẩu về 0%, không có điều kiện gì để hạn chế thì nhập siêu của Việt Nam tăng khủng khiếp, người lao động không có công ăn việc làm”.  Câu hỏi đặt ra một lần nữa: sao cứ phải là sản xuất, lắp ráp? Tại sao chúng ta phải "gồng mình" làm một công việc mà chúng ta thực sự chưa có đủ năng lực? Tại sao không phát triển những ngành dịch vụ trong công nghiệp ô tô như sửa chữa, sản xuất phụ kiện,...?

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, Tập đoàn Mitsubishi Motors đã gặp gỡ hàng loạt cơ quan hữu trách để thông báo đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 ở thị trường này với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm. Dự kiến, nhà máy thứ 2 sẽ có thể sản xuất từ giữa năm 2020 và giải quyết được khoảng 1.000 lao động.

Tại Công ty Ford Việt Nam, cùng với lễ ra mắt xe mẫu xe Ford Ecosport phiên bản 2018 tại Việt Nam trong đầu tháng 2/2018, doanh nghiệp này cũng đang thực hiện việc nhập khẩu 2 mẫu xe mới cho mục đích nghiên cứu thị trường và chuẩn bị sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam.  Ngay cả với Ford Ecosport, Ford Việt Nam cũng không dấu giếm mục đích đẩy mạnh lắp ráp mẫu tại Việt Nam để đủ điều kiện được hưởng mức thuế ưu đãi 0% cho các linh kiện dùng cho việc lắp ráp xe trong nước theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP mới ban hành.

Đọc qua 2 thông tin này, nhiều người sẽ cho rằng việc ngăn xe nhập đang giúp phát triển đất nước. Nhưng hãy để ý đến một sự thật rằng: Lượng nhân sự của hai nhà máy này tại Việt Nam có lên tới 10.000? Vậy còn gần 100 triệu người tiêu dùng thì sao?

Tiếp theo, các doanh nghiệp nhập khẩu xe có đóng thuế? Câu trả lời là họ đóng mức thuế cao hơn nhiều lần so với xe lắp ráp trong nước. Vậy việc "kỳ thị" doanh nghiệp nhập khẩu có công bằng?

Kết luận cuối cần đặt ra đó là: Sự giàu có của các doanh nghiệp ô tô quan trọng hay giá xe ô tô cho 100 triệu người dân Việt Nam quan trọng?

Nên tạo điều kiện cạnh tranh công bằng thay vì "dìm thứ này để nâng thứ kia"

Chúng ta đang kiến tạo nền kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, không phải một nền kinh tế "bảo hộ", "thân tộc". Vì vậy những vấn đề trong ngành ô tô hãy để cho thị trường quyết định. Cụ thể, hãy để cho quyền lợi của người dân quyết định.

Các chính sách được đề ra không phải để phục vụ cho nghành công nghiệp nào mà là để phục vụ cho lợi ích của người dân. Vì vậy thanh vì cản trở cơ hội giảm giá xe tại Việt Nam, nên thúc đẩy những chính sách để xe nhập và xe nội địa có thể cạnh tranh công bằng với nhau the cơ chế thị trường.

Thử làm một phép so sánh: Một chiếc xe nhập có giá 6 đồng, trong khi xe lắp ráp trong nước là 10 đồng. Mức chênh lệch là 4 đồng này được cho là "phát triển công nghiệp ô tô", và trên thực tế nó được xây dựng dựa trên sự thiệt hại của người tiêu dùng. Đây là cách làm chính sách theo kiểu "tổng không đổi", và thường chỉ mang lợi ích cho một thiểu số.

Việc tạo điều kiện để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô là hoàn toàn đúng đắn và lợi ích. Tuy nhiên việc tạo những chính sách khuyến khích ngành này phát triển thì cũng không đồng nghĩa phải bóp nghẹt ngành nhập khẩu.

Khi cùng "thả cửa" cho cả ngành nhập khẩu lẫn lắp ráp, giá xe chắc chắn sẽ giảm, cả hai ngành này sẽ cùng phải tìm cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, và sự tiến bộ sẽ có được từ đó. Nếu một công ty không thể "sống sót", đơn giản vì công ty đó không có đủ năng lực, việc loại bỏ đi những nhân tố thiếu hiệu quả là một trong những động lực quan trọng của sự phát triển.

Hãy để thị trường và quyền lợi người tiêu dùng lên tiếng trong nghành ô tô.

Quảng cáo
thuế nhập khẩu ô tô ô tô lắp ráp trong nước thuế nhập khẩu ô tô 2018 thuế nhập khẩu xe về 0%
Xem thêm