Quảng cáo

Chưa thành công tại ASEAN, xe điện liệu có cửa tại Việt Nam?

Anh Mỹ Anh Mỹ
Thứ năm, 19/10/2017 14:38 PM (GMT+7)
A A+

Thể Thao 247 - Xe điện được dự đoán chắc nịch là xu hướng trong tương lai nhưng sự phổ biến của xe điện tại Việt Nam vẫn là nghi hoặc rất lớn khi loại hình phương tiện này chưa thành công trong khu vực.

Cơ hội của xe điện tại Đông Nam Á

Theo thời báo kinh tế Financial Times, bên cạnh lý do về mặt phát triển kinh tế, giá xăng dầu tăng cao và vấn đề khí thải là những lý do khác khiến các nước trong khu vực Đông Nam Á cùng quan tâm, có kế hoạch dài hạn để sản xuất xe điện.

Indonesia, thị trường ô tô lớn nhất trong khu vực đã công bố dự luật cấm bán xe chạy xăng dầu vào năm 2040. Trong khi đó, Chính phủ Philippines và Thái Lan cùng đưa ra những dự luật miễn thuế đối với các doanh nghiệp quốc nội sản xuất xe điện. Malaysia thì đang tích cực làm việc với các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm tạo ra những mẫu xe điện dành riêng cho thị trường của mình.

Giao thông Indonesia vẫn bị xe xăng dầu thống trị.

Trong khi đó, Việt Nam vừa nhận được đề xuất từ một doanh nghiệp về việc miễn thuế 0% cho việc nhập khẩu xe điện trong giai đoạn từ 3-5 năm và giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng ô tô điện này (hiện ở mức 15%).

Bài học thất bại

Tuy nhiên, chưa hẳn xe điện tận dụng được "cánh cửa" đó để tràn vào khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tính trong khu vực, Thái Lan đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á về khả năng thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước. Nền công nghiệp sản xuất ô tô ở Thái Lan hiện nay tiên tiến nhất trong khu vực, với công suất lên tới 3,7 triệu xe một năm. Có rất nhiều thương hiệu ô tô và chuỗi cung ứng linh kiện đang hoạt động tại Thái Lan, nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trong khu vực.

Mức tiêu thụ ô tô (xe du lịch và xe thương mại) tại Đông Nam Á trong năm 2016. Đơn vị: nghìn chiếc. Nguồn: Hiệp hội ô tô ASEAN.

Sản lượng sản xuất ô tô của các quốc gia trong khu vực. Đơn vị: triệu chiếc. Nguồn: Hiệp hội ô tô ASEAN.

Bên cạnh đó, chính sách cũng vô cùng cởi mở. Đối với các doanh nghiệp sản xuất các dòng xe điện, xe hybrid, Thái Lan miễn thuế doanh nghiệp trong vòng lần lượt là 8 năm và 3 năm. Nếu các bộ phận chính như pin và động cơ cũng được sản xuất trong nước thì thời gian miễn thuế sẽ được nâng lên 10 năm và 6 năm. Máy móc dùng để sản xuất dòng phương tiện này sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Mặc dù vậy, các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất trong nước mà Thái Lan đang thực hiện chưa chắc đã thành công.

Những chiếc xe Tesla đầu tiên tại Malaysia.

Malaysia là một ví dụ, Chính phủ nước này đã từng thất bại trong việc thu hút đầu tư và phải ngừng chính sách miễn thuế xe điện vào năm 2014. Khoảng 100 chiếc xe điện của Tesla từng được Thủ tướng Najib Razak tuyên bố miễn thuế nhập khẩu cũng đã bị bỏ rơi.

Thay vào đó, Chính phủ Malaysia chuyển hướng bắt tay với các nhà sản xuất Trung Quốc, dành riêng cho họ những ưu đãi đặc biệt để phổ biến xe điện trên quê hương của mình. Hợp tác với các công ty Trung Quốc cũng có nghĩa là tiếp cận với công nghệ pin, mở ra nhiều cơ hội khác cho Malaysia.

Khó khăn nội tại

Tuy nhiên, theo Financial Times, dường như cả Thái Lan và Malaysia đều đang gồng mình quá sức. Tốc độ phát triển ngành sản xuất xe điện còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chiến lược toàn cầu của các hãng xe.

Ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất Thái Lan: Toyota, Isuzu và Honda đều là những công ty Nhật Bản khá bảo thủ. Không một công ty nào quan tâm đến việc sản xuất xe điện trong khu vực Đông Nam Á. Điều này được củng cố bởi Chính phủ Nhật Bản, đánh cược vào một tương lai nhiên liệu hydro sẽ phổ biến hơn pin.

Tương tự tại Việt Nam, Toyota mới có ý định đưa xe lai về nước. Ảnh chụp Toyota Prius trong một buổi lái thử tại Hà Nội.

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng khí hydro mới là loại nhiên liệu của tương lai, được sản xuất bởi các nhà máy từ chất thải công nghiệp, sau đó chuyển thành điện năng và có tiềm năng rất lớn tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp tự duy trì. Chừng nào sự miễn cưỡng như vậy còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Nhật Bản thì chắc chắn họ sẽ không xuống tiền đầu tư vào sản xuất xe điện tại Thái Lan.

Ở Malaysia, người tiêu dùng cũng đang mất dần niềm tin vào các thương hiệu Trung Quốc. Theo một thống kê mới nhất, thị phần của Proton Holdings (tập đoàn Trung Quốc sở hữu Volvo) đã giảm đáng kể, chỉ 14% trong năm ngoái, giảm từ 32% hơn một thập kỷ trước và 64% trong thời kỳ đỉnh cao vào năm 1996.

Định kiến của người tiêu dùng

Financial Times đánh giá tốc độ phát triển xe điện cũng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và nhận thức của người tiêu dùng. Câu hỏi mà các nhà sản xuất cần phải trả lời trước tiên là liệu khách hàng ở Đông Nam Á có sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới hay không? Xe điện có thể tiết kiệm nhiên liệu, tốt cho môi trường nhưng việc sử dụng xe điện tốn kém chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và bất tiện là những yếu tố mà khách hàng chắc chắn sẽ phải tính đến.

Bên cạnh đó, nỗi lo hết điện luôn thường trực trong tâm trí những người đang nghĩ về việc họ sẽ sử dụng xe điện trong tương lai. Hay nói cách khác, thách thức của việc phổ biến xe điện cũng nằm ở hệ thống sạc trên đường phố. Chừng nào các nhà sản xuất chưa thể phủ sóng hệ thống sạc, lúc đó ô tô điện vẫn còn rào cản tới người tiêu dùng.

Mạng Weibo từng đăng tải hình ảnh chiếc Tesla phải sạc điện ở cột điện thông thường khiến cư dân mạng ngỡ ngàng. Hãng sản xuất khuyến cáo đây là việc làm rất nguy hiểm.

Hiện tại, Tesla là hãng sản xuất rõ ràng nhất trong việc công bố kế hoạch xây dựng các trạm sạc nhanh trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp năng lượng cho xe hơi của hãng. Các trạm sạc của Tesla có thể cung cấp 120kW điện mỗi lần nạp pin. Chủ xe chỉ mất 20 phút để sạc 50%, 40 phút sạc 80% và 75 phút sẽ đầy pin 100%. Sạc tại nhà hoặc đổi pin tại một số điểm sạc cũng là phương án được tính tới.

Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó thành công, chính những phụ phí đó sẽ khiến giá thành và chi phí sử dụng xe điện tăng cao. Và bài toán kinh tế vẫn luôn là một trong những vấn đề đầu tiên của đa số người mua xe ở Việt Nam hiện tại.

Theo: Cafef

Quảng cáo
xe điện tesla ô tô điện xe chạy điện ô tô điện châu Á
Xem thêm