Thể Thao 247 - Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít đang gây ra nhiều lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ làm cho một lít xăng bán ra “cõng” quá nhiều thuế phí. Giá xăng vì thế sẽ tăng mạnh, tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.
Mức đề xuất tăng cao
Vừa bước sang năm 2017, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó mặt hàng xăng dự kiến sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường tối đa là 8.000 đồng/lít. Mức thấp nhất trong khung thuế mới này là 4.000 đồng/lít, ngang bằng mức trần của khung thuế bảo vệ môi trường hiện hành.
Dầu diezel cũng dự kiến tăng lên 1.500-4.000 đồng/lít, gấp 2-3 lần khung thuế hiện hành (dầu diezel từ 500-2.000 đồng/lít).
Trong báo cáo đánh giá tác động của đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu, Bộ Tài chính nêu rằng: Theo quy định hiện hành thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã bằng hoặc gần bằng mức trần trong khung thuế.
Bộ này lý giải: Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ “là rất khó vì dư địa để điều chỉnh mức thuế còn lại là quá nhỏ hoặc đã hết”.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc nới khung thuế này là để cần thiết để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, nhìn nhận: Tăng thuế bảo vệ môi trường là đúng với tình hình hiện nay, bởi vì thuế nhập khẩu xăng ở một số thị trường đã giảm xuống còn 10%. Đến năm 2024 giảm xuống 0%.
Tuy nhiên, ông Ruệ lưu ý mức tăng như thế nào cho phù hợp là điều đáng phải suy nghĩ. “Thuế bảo vệ môi trường đã tăng lên 3.000 đồng/lít vào tháng 5/2015 nên có thể tăng tiếp khoảng 3.500-4.500 đồng/lít, không nên tăng quá cao”, ông Ruệ nói.
Ông Ruệ cũng cho rằng, thuế môi trường phải quay về bảo vệ môi trường, không thể đưa số tiền thu được này vào cân đối ngân sách để chi cho việc khác.
Nỗi lo tăng giá
Chuyên gia Ngô Trí Long quan điểm, chính sách thuế của nhà nước phải hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Tháng 5/2015, thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít đã gây ra tác động mạnh. Khi đó Quốc hội chất vấn lãnh đạo Bộ Tài chính tăng thuế lên như vậy thì liệu ảnh hưởng giá xăng không?. Câu trả lời là không. Nhưng bắt đầu áp dụng tăng thuế từ tháng 5/2015 thì đến tháng 7/2015 giá xăng bắt đầu tăng”, ông Long chia sẻ.
Do vậy, việc đưa ra mức khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tới 8.000 đồng/lít, theo TS Ngô Trí Long, “là rất cao”. Ngoài thuế môi trường thì xăng dầu còn chịu nhiều mức thuế nữa như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa kể các loại phí khác nữa.
Ngoài ra, việc Bộ Tài chính thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu kể từ 1/7/2016 cũng đã làm xăng tăng thêm gần 200 đồng/lít.
Ông Long nói, “Bình thường xăng dầu đã chịu nhiều thuế phí lắm rồi, ngay cả thuế môi trường lên đến 3.000 đồng trên 17.500 đồng một lít xăng là rất cao rồi”. Nếu tăng đến kịch khung 8.000 đồng thì giá xăng sẽ lên đến đâu
Điều đáng chú ý là dù đề xuất khung thuế suất tăng gấp đôi, nhưng Bộ Tài chính cho rằng tác động tiêu cực của đề xuất này là “không có”.
TS. Ngô Trí Long lưu ý: Bộ Tài chính nên hiểu rằng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn rất hạn chế, chi phí đầu vào tăng sẽ khiến cho chi phí DN tăng, giá cả tăng.. Vì thế, việc thu thuế cần được cân nhắc kỹ".
Bộ Tài chính cũng bổ sung xăng E5, xăng E10 vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, khung tính thuế bảo vệ môi trường với hai loại xăng này cũng khá cao, từ 2.700 đồng-7.200 đồng/lít với E5 và từ 2.500-6.800 đồng/lít với E10.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, cho rằng bản thân xăng E5 đã giảm thiểu tác hại tới môi trường có thể không cần đánh thuế môi trường. Chung quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng. “Bản thân xăng E5, E10 đã có tác dụng bảo vệ môi trường thì liệu đề xuất này có hợp lý không”.
Theo: Vietnamnet