Mời bạn bạn đọc cùng tham khảo về cách chăm sóc, bảo dưỡng hệ thống côn của xe môtô và xe côn tay một cách khoa học, đạt hiệu quả tốt nhất.
Côn là bộ phận tối quan trọng trên xe máy nhưng cũng dễ hư hại nhất, côn xe được chia ra làm 2 loại là côn tự động và côn tay. Côn tay lại chia ra làm 2 loại côn dầu và côn cơ, trong đó bao gồm côn khô và côn ngâm dầu. Côn tự động thường rất khó bị hỏng, mọi hư hỏng thường tập trung vào dòng xe côn tay là chính. Do tần xuất cắt nhả côn nhiều, chưa kể không phải ai cũng có ky năng đi côn tay chuẩn nên việc bị mòn lá côn, xoa côn, cháy côn khiến côn bị chai, không bắt làm cho chiếc xe hoạt động kém hẳn đi. Phần còn lại thuộc về việc không chú trọng việc bảo dưỡng dẫn đến những hư hỏng phát sinh.
Côn cơ ngoài ốc tăng chỉnh trên tay còn có ốc tăng và chốt cuối dây
Côn tay được phân ra là côn thủy lực (côn dầu) và côn cơ (côn dùng dây cáp kéo), với 2 loại côn này thì việc tăng chỉnh côn cơ dễ dàng hơn do dây cáp kéo chỉ cần căng lên bằng ốc có sẵn là xong, nhưng nhược điểm là nếu tăng quá căng có thể khiến dây côn bị đứt, ngược lại tăng quá trùng sẽ khiến côn nhả không hết gây mòn lá. Côn dầu khác với côn cơ ở việc không thể dùng ốc tăng chỉnh, chỉ có thể xả khí để điều chỉnh độ căng của tay côn.
Côn dầu khó hư hỏng hơn côn dây do dùng ống thủy lực như phanh đĩa và đạt hiệu quả cảm nhận cao hơn vì được cố định ở một mức, khi lá côn mòn người lái có thể cảm nhận rất rõ. Tuy nhiên một khi côn dầu hư hại thì chi phí sửa chữa sẽ lớn hơn côn cơ rất nhiều do phải đổ thêm dầu tăng lực nén, thay ống dẫn hay cùm bóp, piston do rò rỉ, thay bát côn và con đội do không thể nén nhả...
Ốc tăng chỉnh của côn cơ khá đơn giản
Ngoài ra thì còn phải đề cập tới côn khô và côn ngâm dầu. Thông thường tới 90% các dòng xe sử dụng hệ thống côn ngâm trong dầu, vừa giảm ma sát mài mòn, vừa tản nhiệt tốt và đạt hiệu quả hoạt động cao hơn. Côn khô có ưu điểm bám và khỏe hơn tuy nhiên thường ồn và hay bị hiện tượng quá nhiệt, đặc biệt là với người mới đi. Côn khô thường thiết kế để hở nhằm khoe ra vẻ đẹp cơ khí nên trong nhiều trường hợp dễ bị lọt nước dẫn tới mất bám, trượt côn và gây rỉ sét một vài chi tiết quan trọng, chưa kể côn khô thường dễ cháy và phải thay với chi phí rất đắt đỏ nếu chủ xe là người thích nẹt pô.
Côn thường có bệnh nhả không hết hoặc ăn không hết do tăng chỉnh không chuẩn gây mòn lá côn, xe chạy cà giật hay tăng tốc không ngọt, thậm chí mất lực cũng chủ yếu do mòn lá côn mà ra. Mà mòn côn thường xuất phát 98% từ cách người chủ đi xe, 2% còn lại xuất phát từ các yếu tố như bảo dưỡng không đúng cách, môi trường, tuổi thọ của bộ côn đến hạn…
Côn dầu cần được chăm sóc và có chế độ căn chỉnh đặc biệt
Để kiểm tra bộ côn cần thực hiện tăng chỉnh cơ học bên ngoài, sau khi đã chỉnh các ốc ngoài mà không được thì nhiều khả năng phải tháo lốc máy để kiểm tra lá côn. Bên trong lốc bưởng côn sẽ có con đội, bộ tay gạt đóng mở côn, bát côn, lá thép và lá côn.
Một lá côn còn tốt bao giờ mặt cũng nhám, phân ra nhiều khúc rõ ràng, có màu nâu kim loại đặc trưng trong khi các lá thép phải nhẵn 2 mặt, có màu xám bóng kim loại và không có gờ. Trường hợp lá côn phẳng nhẵn là do mặt ma sát đã hết và cần thay thế, nếu đã thay thế mà không bắt thì cần xem xét lá thép, nếu lá thép có màu tím hay đen thì chứng tỏ lá thép và bát côn đã bị cháy cần thay mới. Sau cùng là bát côn có từ 4-8 lò xo tùy loại xe và phải xiết thật đều và đối xứng bởi chỉ 1 lò xo không cân lực cũng khiến bộ côn hoạt động kém đi và dễ bị hư hại.
Lá côn còn tương đối tốt sẽ có màu như trên
Cần kiểm tra côn sau mỗi 20.000 km (theo khuyến cáo của NHTSA) và cũng là tiêu chuẩn chung cho thế giới. Tuy nhiên ở nhiều nước khí hậu khắc nghiệt sẽ yêu cần sớm hơn. Đặc biệt ở một số nước nhiệt đới ẩm như Việt Nam thì khuyến cáo kiểm tra sau mỗi 15.000 km, với người mới đi hay đi kém thì con số đó có khi chỉ là ... 1.000-2.000 km.
Kiểm tra độ cứng của bát côn là điều quan trọng không kém lá côn