Thể Thao 247 - Mùa giải ARRC 2017 chỉ còn một chặng thi đấu nữa tại Thái Lan là kết thúc. Hai đại diện của Việt Nam tham gia thi đấu cho đội Yuzy Honda Việt Nam Racing đã không còn cơ hội vô địch. Nhìn lại chặng đường đã qua của hai tay đua trong mùa giải, điều ấn tượng còn đọng lại là gì?
Bùi Duy Thông – Số “0” và vai trò kẻ khai phá
Cho đến hiện tại, số “0” đang gắn với tay đua sinh năm 95 Bùi Duy Thông của Honda Racing Việt Nam theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực.
Hãy đề cập đến những điểm tiêu cực trước, tay đua mang số hiệu 95 của Việt Nam sau 5 chặng thi đấu với 10 vòng đấu vẫn chưa giành được bất cứ điểm số nào của mùa giải ARRC 2017. Người đang dẫn đầu ở nội dung AP250 là Gerry Salim của đội Astra Honda (Indonesia) với 186 điểm.
Trong suốt mùa giải ARRC 2017, Bùi Duy Thông chưa để lại ấn tượng gì thực sự đặc biệt, xuất phát luôn quanh quẩn trong 3 pole cuối cùng, phong cách thi đấu không có gì nổi trội đặc biệt là tư duy chiến thuật vẫn chưa hình thành rõ nét ở tay đua trẻ này.
Năm ngoái Duy Thông tham dự nội dung Asia Dream Cup, một nội dung cũng có cùng dung tích 250cc, tuy là lần đầu tham dự nhưng trước chặng thi đấu cuối cùng anh đã giành được tới 38.5 điểm (kết thúc mùa giải ở vị trí 17/20 với 42.5 điểm). Ngoài ra, năm ngoái Bùi Duy Thông còn thi đấu như “chấp” các đối thủ 2 chặng đầu (tức 4 vòng) do khi ấy anh còn phải thi đấu thêm ở nội dung UB130 trước khi Cao Việt Nam thế chỗ anh ở nội dung này và qua 2 chặng đầu đó, Duy Thông vẫn giành tới 17 điểm.
Đặc biệt năm ngoái Duy Thông còn có được dấu ấn sáng nhất sự nghiệp của anh cho đến hiện tại đó là chức nhất chặng tại R2 chặng Suzuka, Nhật Bản. Vì vậy kết quả của Bùi Duy Thông đạt được cho đến thời điểm này khiến bản thân anh và đội đua hết sức thất vọng.
Có thể viện dẫn nhiều lí do khách quan cho vị trí của Bùi Duy Thông hiện tại, nhưng lí do lớn nhất phải kể đến là: Nội dung AP250 (Asia Production) năm nay có sự thay đổi lớn về nội quy và thí sinh tham dự. Cụ thể, nếu như nội dung Asia Dream Cup năm ngoái Duy Thông tham dự cũng là 250cc nhưng giải chỉ sử dụng 1 loại xe là CBR250 loại 1 xy lanh, và chỉ có 20 tay đua tranh đấu thì sang đến năm nay, nội dung AP250 mà Duy Thông tham dự là một câu chuyện khác hoàn toàn, AP250 giờ là cuộc đua giữa những nhà sản xuất mô tô của toàn châu Á, ngoài Honda còn phải kể đến hai “ngáo ộp” là Yamaha, Kawasaki. Xe tham dự ở thể thức này là 250cc (xy lanh đơn hoặc đôi) hoặc 300cc xy lanh đơn. Thay đổi về thành phần tham dự cũng như những chiếc xe tham dự này khiến sức cạnh tranh nâng lên mức khốc liệt và rõ ràng với năm thứ 2 tham dự, Bùi Duy Thông vẫn còn là “cừu non”.
Tiếp đó, lượng thí sinh tham dự AP250 nên tận 45 người, và rất nhiều trong số 45 người đó là những tay đua lẫy lừng, kinh nghiệm đầy mình. Thậm chí một số đội còn chiêu mộ những tay đua đã hoặc đang thi đấu ở nội dung SS600 xuống để cạnh tranh, trong đó phải kể đến 4 tay đua: Tomoyoshi Koyama, Gerry Salim, Mohd Fitri Ashraf Razali và Andy Muhammad Fadly.
AP250 là nội dung có 45 thí sinh cùng 25 đội tham dự, trong khi con số của UB150 là 27/12 và SS600 là 26/15. Đây là những con số thống kê nói nên rất nhiều điều.
Tuy nhiên, sự khốc liệt của nội dung AP250 không thể đưa ra làm nguyên nhân chính cho màn trình diễn của Bùi Duy Thông hiện tại, muốn hay không thì cũng phải nhìn nhận thẳng vào thực tế là khả năng của anh đang rất khiêm tốn.
Vậy còn những điểm tích cực của số “0” trong mùa giải vừa qua của Duy Thông là gì? Không một lần DNF và không một lần DNS, tức Duy Thông đã tham dự tới 10 vòng đấu mà không gặp phải bất cứ tai nạn nào và luôn hoàn thành cuộc đua. Trong khi đó năm ngoái ở nội dung Asia Dream Cup, Duy Thông đã có tới 3 lần không thể hoàn thành cuộc đua sau 10 vòng đầu. Rõ ràng đây là một sự tiến bộ rõ rệt của Duy Thông.
Tiếp đến, tuy chưa định hình phong cách thi đấu cũng như tư duy chiến thuật nhưng tâm lý thi đấu của Bùi Duy Thông ở mùa giải ARRC 2017 là cực kỳ đáng khen ngợi. Mặc dù phải cạnh tranh ở một đẳng cấp khác biệt hoàn toàn và mới chỉ tham dự thi đấu quốc tế ở năm thứ 2 nhưng Bùi Duy Thông không hề e sợ, luôn thoải mái và nhiệt huyết.
Cũng cần lưu ý rằng cho đên hiện tại, có đến 15 tay đua khác cũng đang chưa kiếm được điểm số nào tại nội dung AP250 như Duy Thông.
Cuối cùng, một khía cạnh thể hiện sự tiến bộ rõ rệt của Bùi Duy Thông đó là tốc độ trung bình của tay đua này tại mùa giải năm nay tăng đều đặn trong từng vòng thi đấu. Nếu tiếp tục tập luyện chăm chỉ, chắc chắn khả năng cạnh tranh của Duy Thông sẽ được nâng lên rất nhiều.
Bùi Duy Thông là tay đua đầu tiên của Việt Nam thi đấu ở một giải đua xe quốc tế , do đó anh phải đối mặt với nhiều thử thách, trong đó chướng ngại tâm lý lớn nhất là việc “đua để thua”, với một tay đua khao khát chiến thắng mãnh liệt thì việc chấp nhận lao vào đua mà biết chắc khả năng cạnh tranh gần như bằng không thì đó là một thách thức, phải vượt qua chính cái tôi và sự hiếu thắng của mình để lấy kinh nghiệm.
Không phải ai cũng có thể vượt qua chính mình như Duy Thông. Vì vậy cho đến hiện tại, tuy anh chưa có thứ hạng cao nhưng anh xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Bùi Duy Thông mới 22 tuổi, tương lai của anh vẫn còn ở phía trước và chắn chắn mục tiêu có thể tham dự nội dung SS600 của anh là hoàn toàn khả thi.
Trước Duy Thông, có thể nói rằng đua xe quốc tế gần như chưa hình thành khái niệm tại Việt Nam, chúng ta như đang ở một mức âm ở trên thứ hạng đua xe. Vì vậy, với số “0” hiện taị của Duy Thông, chắc chắn không phải là niềm vui hay tự hào gì, nhưng đó cũng là một ghi nhận về sự nỗ lực của tay đua này cũng nhưng toàn đội Honda Việt Nam Racing.
Cao Việt Nam – Trách nhiệm người giữ lửa
Nếu như Bùi Duy Thông là người khai phá thì tay đua sinh năm 1996 Cao Việt Nam, xuất hiện sau Bùi Duy Thông 3 chặng đấu được coi như lĩnh trách nhiệm “chia lửa” với đàn anh và ngay lập tức gây ấn tượng với 6 điểm đạt được sau đó kết thúc mùa giải ARRC 2016 ở nội dung UB130 với 22 điểm, một thành tích rất tốt với một tân binh 20 tuổi và lần đầu tham dự giải.
Bước sang mùa giải ARRC 2017, nội dung UB130 đã được thay thế bằng nội dung UB150 và Cao Việt Nam là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự thể thức này. Tiếp tục phong độ của năm 2016, Cao Việt Nam có một khởi đầu thuận lợi với 7 điểm ngay tại ngày thi đấu đầu tiên chặng Johor Baru, Malaysia. Đây là thành tích cao nhất toàn đội Yuzy Honda Racing Việt Nam ngày hôm đó.
Tuy nhiên, thật không may mắn cho Cao Việt Nam khi sang đến ngày thi đấu thứ 2 của chặng này, anh đã bị một pha tai nạn kinh hoàng làm anh bị hất tung lên trời trước khi tiếp đất và bị gãy tay.
Video pha tai nạn của Cao Việt Nam:
Chấn thương này khiến anh không thể hoàn thành chặng thi đấu thứ 2 tại Thái Lan sau đó 2 tuần. Cao Việt Nam chỉ hoàn toàn bình phục từ chặng thứ 3 tại Nhật Bản, tuy nhiên chấn thương dường như đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảm giác lái cũng như phong độ của Cao Việt Nam.
Sau chấn thương anh không còn duy trì được tốc độ và thường không giành được pole trong top 10 và thành tích của anh rất khiêm tốn. Thêm vào đó, chấn thương nghiêm trọng dường như còn khiến tâm lý của Cao Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều, nếu như tay đua này từng thừa nhận điểm mạnh nhất của anh là “Điên” thì trở lại sau chấn thương, Cao Việt Nam dường như “Tỉnh” hơn rất nhiều, qua đó làm thành tích của anh bị ảnh hưởng.
Cho đến hiện tại sau 10 vòng thi đấu, Cao Việt Nam mới chỉ giành được 19 điểm và đứng ở vị trí thứ 16/27, cách người dẫn đầu là Akid Aziz (Malaysia) tới 145 điểm.
Tương tự Bùi Duy Thông, Cao Việt Nam gần như là lính mới tại hạng mục UB150, do đó kinh nghiệm là thứ mà hiện tại cả hai tay đua này cùng thiếu nhất.
ARRC 2017 có lẽ đang là một sự tiếc nuối rất lớn của Cao Việt Nam bởi nếu không bị chấn thương, thứ hạng của anh hoàn toàn có thể đang cao hơn nhiều so với hiện tại.
Cao Việt Nam kém Bùi Duy Thông 1 tuổi nhưng ở ngoài đời cả 2 tay đua này là bạn thân của nhau. Thậm chí hai tay đua này trước đó thường cùng rủ nhau đăng ký đua tại các giải trong nước sau đó chia đều tiền thưởng cho nhau. Do đó, với kinh nghiệm đi trước, Bùi Duy Thông đã chia sẻ cho Cao Việt Nam rất nhiều, và điều này đóng góp một phần vào khởi đầu thuận lợi của Cao Việt Nam tại ARRC.
Và chắc chắn trong mùa giải tới, tình bạn giữa hai tay đua này sẽ đóng góp rất nhiều vào thành tích cá nhân của chính hai tay đua nói riêng cũng như toàn đội Yuzy Honda Việt Nam Racing nói chung.
Với đội đua Yuzy Honda Việt Nam Racing, tại nội dung UB150 đội đang xếp ở vị trị thứ 5/12 với 118 điểm, các đội dẫn đầu 71 điểm và không còn cơ hội vô địch, nhưng ở mặt khác dội hiện cách đội thứ 2 chỉ 11 điểm. Vì vậy vị trí thứ 2 của team sắp tới tại Thái Lan sẽ cực kỳ khốc liệt. Lúc này toàn bộ hi vọng của đội đang dành về phía tay đua 18 tuổi Azroy Hakeem Anuar. Trước đó tại chặng đua Ấn Độ ghi dấu phong độ ấn tượng của tay đua trẻ người Malaysia này với số điểm giành được lên tới 41 điểm, thậm chí nếu tại ngày thi đấu đầu tiên Azroy không “nhường” thì chắc chắn anh đã giành được tối đa 50 điểm tại chặng Ấn Độ.
Với toàn đội Yuzy Honda Việt Nam Racing, ARRC 2017 đang diễn ra hết sức thuận lợi. Sự hợp tác giữa Yuzy và Honda Việt Nam Racing ngày càng khăng khít và phát triển hơn. Nếu như có thể giành được vị trí thứ 2 của mùa giải sau chặng thi đấu cuối cùng tại Thái Lan sắp tới, chắc chắn đây sẽ là một dấu son của Honda Việt Nam Racing nói riêng và đua xe Việt Nam nói chung.
Với năm thứ 2 tham dự một giải đua quốc tế của Honda Racing Việt Nam cũng như Bùi Duy Thông và Cao Việt Nam, có thể thấy chúng ta vẫn đang như “Khiêu vũ với bầy sói” tại đấu trường tốc độ. Tuy nhiên những gì đã đạt được hoàn toàn cho chúng ta một cơ sở để tự tin về thành tích tương lai của toàn đội Honda Việt Nam Racing cũng như hai tay đua Bùi Duy Thông và Cao Việt Nam.
Chặng đua thứ 6 và cũng là chặng đua cuối cùng của mùa giải ARRC 2017 sẽ diễn ra tại trường đua Chang International Circuit vào hai ngày 2-3/12 tới, hãy cùng theo dõi và cổ vũ cho hai tay đua Bùi Duy Thông và Cao Việt Nam cũng như toàn đội Yuzy Honda Việt Nam Racing.
Tình hình cuộc đua vô địch mùa giải ARRC 2017:
Nội dung UB150, chức vô địch mùa giải gần như sẽ chỉ còn là cuộc cạnh tranh giữa hai tay đua Akid Aziz (Malaysia) với 164 điểm và Wahyu Aji Trilaksana (Indonesia) với 120 điểm nhưng với khoảng cách 40 điểm trong khi chỉ còn 2 vòng thi đấu, chức vô địch gần như chắc chắn thuộc về tay đua người Malaysia.
Nội dung AP250 có lẽ hấp dẫn nhất sẽ là cuộc đua giành vị trí thứ 2 giữa 3 tay đua Anupab Sarmoon (Thái Lan), Tomoyoshi Koyama (Nhật Bản) và Takehiro Yamamoto (Nhật Bản) với số điểm lần lượt là 148, 147 và 136. Trong khi đó với 186 điểm, chức vô địch gần như đã thuộc về Gery Salim của Indonesia.
Tại nội dung SS600, cuộc đua vô địch sẽ vô cùng kịch tính với khả năng vô địch chia đều cho 5 tay đua dẫn đầu: Zaqhwan Zaidi (Malaisia), Yuki Ito (Nhật Bản), Taiga Hada (Nhật Bản), Shah Kamaruzama (Malaysia) và Ahmad Yudhistira (Indonesia) với số điểm tương ứng là 138, 134, 134, 128 và 110.